.

Đẩy mạnh thu nợ đọng thuế

.

Một trong những nguyên nhân khiến số thu ngân sách sụt giảm là tình trạng nợ đọng thuế còn nhiều. Mặc dù, ngành Thuế, Hải quan và các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ đọng nhưng tình trạng dây dưa, chây ì vẫn còn diễn ra nhiều nơi.

Kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng đến DN và số thu ngân sách (ảnh mang tính minh họa).
Kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng đến DN và số thu ngân sách (ảnh mang tính minh họa).

Công tác chống thất thu, nợ đọng thuế còn nhiều bất cập. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Thị Lệ, tuy xác định được các lĩnh vực còn để xảy ra nợ đọng, thất thu thuế, nhưng các ngành chức năng chưa tập trung phối hợp thực hiện đồng loạt trên toàn địa bàn hoặc chưa có biện pháp thanh tra có hiệu quả, nhất là trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp (DN). Còn đại diện UBND quận Cẩm Lệ cho biết, chỉ tính riêng quận này, con số nợ đọng thuế tính đến nay là hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại đã là tháng 5-2013 nhưng thu thuế của Cẩm Lệ cũng mới đạt 35% dự toán. Hiện vẫn chưa có biện pháp mạnh để thu thuế, chế tài lớn nhất chỉ dừng lại ở phong tỏa tài khoản.

Theo đánh giá của ngành Thuế thành phố, tình trạng nợ thuế tồn đọng tăng cao là do thực trạng suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị; nhiều DN còn chiếm dụng tiền thuế.

Theo ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố, hiện nay tình trạng nợ thuế, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các loại hình DN, sắc thuế, với các “chiêu thức” khá phổ biến như khai gian doanh số bán hàng, sử dụng hóa đơn “khống” (mua hóa đơn), nợ thuế lớn rồi nghỉ hoạt động, trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, chuyển sang thành lập DN mới hoặc lợi dụng tình hình khó khăn chung để chây ì, nợ thuế... Trong năm qua, ngành Thuế thành phố phát hành hơn 29.600 lượt thông báo phạt nộp chậm, mời 4.055 lượt doanh nghiệp nợ lớn lên làm việc. Qua đó, thu được 383 tỷ đồng nợ trong năm 2011 chuyển qua và 655 tỷ đồng nợ của năm 2012. Thời gian qua, ngành thuế thành phố phát hiện và tiến hành các biện pháp xử lý như truy thu 3,7 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty CP Xây dựng điện VNECO 7; truy thu thuế và phạt Công ty TNHH Khu du lịch biển VinaCapital và Công ty TNHH Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn gần 15 tỷ đồng; truy thu 2,2 tỷ đồng đối với Công ty Olimpia; truy thu khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty CP Địa Cầu 330 triệu đồng…

Mặc dù đạt được một số kết quả như vậy nhưng tình hình nợ đọng vẫn tiếp tục tăng, không chỉ ở ngành Thuế mà Hải quan tình hình nợ đọng cũng đáng báo động. Tính đến 15-4, tổng số nợ đọng hơn 255 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ, trong đó nợ quá hạn hơn 24,7 tỷ đồng, nợ trong hạn 150 tỷ đồng  và nợ cưỡng chế gần 80 tỷ đồng... Việc nợ đọng đang ở mức khá cao và sẽ có nguy cơ tăng cao hơn nữa. Song, công tác xử lý số nợ đọng này rất khó, bởi hầu hết các DN đang ở vào thời điểm khó khăn của cuộc suy giảm kinh tế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế thành phố Trần Văn Miên, trong thời gian đến ngành Thuế sẽ tập trung phân tích, đánh giá rõ thực chất các khoản nợ đọng thuế để có biện pháp đôn đốc, thu nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước; tăng cường áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế tối đa phát sinh nợ mới. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống kho bạc, ngân hàng, thực hiện giám sát, phong tỏa tài khoản đối với các DN nợ đọng thuế, nhằm góp phần ngăn ngừa các hành vi trốn thuế, chây ì nợ thuế… Đồng thời, để chống thất thu, nợ đọng thuế, công tác kiểm tra sẽ được Cục Thuế triển khai liên tục theo hằng quý, tháng; theo đó ưu tiên tập trung thanh tra các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực có khả năng thất thu và nợ đọng thuế như khách sạn, ăn uống, dịch vụ du lịch, các DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá và có số hoàn thuế lớn, các DN quyết toán lỗ, lỗ liên tục, lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh...

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.