.

Gian lận thương mại: “Chống cái sảy nảy cái ung”

.

Dù đã thẳng tay xử lý vài nghìn vụ vi phạm mỗi năm nhưng không vì thế mà “sức nóng” của hoạt động phạm pháp thương mại giảm đi; trái lại, các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trở nên phức tạp hơn cả về quy mô lẫn tốc độ.

Dù đã thẳng tay xử lý vài nghìn vụ vi phạm mỗi năm nhưng không vì thế mà “sức nóng” của hoạt động phạm pháp thương mại giảm đi; trái lại, các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trở nên phức tạp hơn cả về quy mô lẫn tốc độ.

Bất cứ mặt hàng nào được ưa chuộng và có giá trị đều có thể bị làm giả. 		Ảnh: DUYÊN ANH
Bất cứ mặt hàng nào được ưa chuộng và có giá trị đều có thể bị làm giả. Ảnh: DUYÊN ANH

Nguy cơ tăng cao

Trong năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng phát hiện và xử lý gần 3.000 vụ vi phạm trong kinh doanh với tổng số tiền thu trên 46 tỷ đồng. Trong số các vụ vi phạm, nhiều nhất vẫn là gian lận thương mại với 1.667 vụ, tăng gần 300 vụ so với cùng kỳ năm 2011. Từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng QLTT tịch thu trên 600 mũ bảo hiểm và 4.148 linh kiện mũ bảo hiểm, 3.246 đĩa ca nhạc, 263 chai rượu, 492 pin, sạc pin và vỏ điện thoại di động, 340 đồng hồ đeo tay, 379 kính đeo mắt, 228 phụ tùng và dầu nhớt giả nhãn hiệu Honda…

Qua phân tích, phần lớn hàng giả là hàng nhập lậu do cá nhân và doanh nghiệp trong nước móc nối với các tổ chức nước ngoài giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ ở Việt Nam. Đáng chú ý, có vụ kinh doanh mặt hàng thực phẩm nhập từ nước ngoài đã hết hạn sử dụng, rồi gỡ bỏ nhãn gốc và thay nhãn ghi hạn sử dụng mới để lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, lực lượng chức năng còn phát hiện được những cơ sở có máy móc hiện đại chuyên làm mới các loại nhãn mác, hạn sử dụng hàng hóa. Mới đây, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã tiêu hủy hơn 25.000 đơn vị thuộc 69 danh mục hàng hóa kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp. Đợt kiểm tra tại các chợ và cửa hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong tháng 4, các đội kiểm tra chuyên ngành của chi cục đã phát hiện nhiều lô hàng giả, hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc,  không chứng từ hợp pháp, nhiều mặt hàng có tem chống hàng giả nhưng lại là tem giả. 

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố Đà Nẵng (BCĐ 127/TP), các mặt hàng giả được phát hiện gần đây thuộc nhiều chủng loại, trong đó chủ yếu là mũ bảo hiểm, quần áo, túi xách, giày dép, mắt  kính, dây nịt, phụ liệu may, mỹ phẩm, thuốc tây, sữa… Những mặt hàng này không chỉ gây nguy hại lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng mà còn đánh vào uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất trong nước.

Loay hoay đối phó

Nhiều năm phối hợp cùng QLTT Đà Nẵng chống hàng giả, đại diện Công ty CP XNK Bình Tây (nhà phân phối độc quyền máy tính Casio) than rằng, cứ mỗi lần phát hiện ở đâu xuất hiện hàng nhái chính hãng, công ty phải bỏ thời gian, công sức làm việc với các chi cục QLTT trên toàn quốc để có thông tin. Nhưng vừa mới chống ở nơi này, lại nghe sản phẩm của mình bị nhái ở nơi khác khiến công ty vất vả đối phó trên thị trường.   

Khi đề cập đến công tác chống gian lận thương mại, các thành viên trong BCĐ 127/TP như công an, khoa học-công nghệ, hải quan thừa nhận rằng, nhiều mặt hàng được làm nhái hết sức tinh vi mà đôi khi cơ quan chức năng cũng khó nhận diện được đâu là thật, đâu là giả. Đối với nhiều mặt hàng ngoại nhập, khi đã xác định giả nhãn hiệu, nhưng nhãn hiệu đó chưa được đăng ký tại Việt Nam nên cũng khó xử lý. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng nhận định: “Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có xu hướng tăng lên. Ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả khiến việc chống hàng giả rất khó khăn. Mặt khác, người tiêu dùng cũng chưa thật sự quan tâm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.

Trong “cuộc chiến” này, doanh nghiệp không thể hoạt động đơn độc mà cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp từ người tiêu dùng. Chưa là “điểm nóng” về buôn lậu và gian lận thương mại như một số địa phương khác trong cả nước, nhưng hàng loạt các vụ việc vi phạm thương mại vừa bị xử lý đã báo động thị trường Đà Nẵng thiếu ổn định.

Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo 127/TP,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết với vai trò Trưởng ban đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, không được lơ là chủ quan với mọi diễn biến của thị trường. Đà Nẵng có khu vực bờ biển dài và diện tích quản lý mặt biển rộng, liên quan với nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Trên địa bàn thành phố có sân bay quốc tế, có nhà ga xe lửa, có bến xe... nên có thể xem đó là “biên giới mềm”, khả năng hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại rất lớn.

Trong khi chúng tôi phải chịu đủ mọi chi phí từ đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu đến đóng góp nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước thì hàng giả, hàng nhái không phải chịu các khoản chi phí ấy nên bán với giá rẻ cạnh tranh. Chúng tôi không chỉ thiệt hại lớn về doanh thu mà còn mất uy tín do người tiêu dùng mua nhầm hàng nhái dẫn đến hiểu lầm. Muốn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả sâu rộng hơn nữa, chúng tôi mong cơ quan chức năng quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại; đồng thời tăng mức xử phạt cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty SX và TM Hương Quế

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.