Với 400.000 công-tơ điện tử các loại đã lắp đặt ở các Điện lực miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh trong cả nước là thành quả đáng ghi nhận của cán bộ, công nhân Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo sản phẩm này.
Đây cũng là bước tiến mới của ngành điện trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất kinh doanh. Ưu điểm của loại công-tơ này là ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản lý của các điện lực, người tiêu dùng sẽ kiểm tra, giám sát và điều chỉnh được cách tiêu dùng điện của gia đình thông qua mạng Internet. Hiện một số thuê bao lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được hưởng tiện ích này.
Phòng kiểm tra thí nghiệm môi trường để điều chỉnh công-tơ. |
Năm 2001, sản phẩm đầu tiên của công ty là “Công-tơ điện tử tích hợp hệ thống đọc chỉ số công-tơ từ xa bằng sóng vô tuyến RF” ra mắt. Công trình nghiên cứu này đoạt giải nhì Hội thi “Sáng tạo khoa học” thành phố Đà Nẵng lần thứ X (2008-2009). Từ thành công này, hàng loạt các sản phẩm khác của công ty lần lượt ra đời và được thị trường chấp nhận như công-tơ điện tử 1 pha DT-01P, công-tơ điện tử 3 pha DT-03P (năm 2003), công-tơ điện tử 1 pha tích hợp hệ thống đọc chỉ số từ xa bằng sóng vô tuyến RF (DT01P-RF) năm 2009, công-tơ điện tử 3 pha tích hợp hệ thống đọc chỉ số từ xa bằng sóng vô tuyến RF (DT03P-RF) năm 2012... Các sản phẩm này đều được tổ chức quốc tế kiểm tra và cấp chứng nhận sản phẩm tương thích trường điện từ (EMC) - chỉ tiêu quan trọng để chứng minh cho tính chính xác và độ ổn định của thiết bị điện tử hoạt động trong môi trường điện mang tính can nhiễu cao - và nhanh chóng được thị trường chấp nhận với nhiều ưu điểm nổi trội như cấp chính xác cao, chống gian lận điện, cảnh báo ngược pha...
Đặc biệt, tính ưu việt về công nghệ của công-tơ điện tử càng được phát huy tốt khi được tích hợp bo mạch đọc chỉ số công-tơ từ xa, bằng sóng vô tuyến RF, giúp công nhân có thể ghi chữ bằng máy tính cầm tay. Công nghệ này giúp nhân viên ghi chỉ số điện thực hiện công việc với khối lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn, giúp tăng năng suất lao động. Nhân viên ghi chỉ số không phải trèo trụ nhằm hạn chế tai nạn và những sai sót phát sinh trong quá trình ghi thủ công. Nhân viên có thể đọc chỉ số điện trên công-tơ trong bán kính đến 100 mét, nên có thể ghi chỉ số điện cả khi khách hàng vắng nhà. Thông thường, một ngày trung bình một công nhân phải trèo khoảng 30 trụ điện để ghi chỉ số được 200 công-tơ. Khi áp dụng công nghệ này, một người có thể ghi được chỉ số cho 5.000 công-tơ, tức là năng suất lao động tăng gấp trên 20 lần.
Theo kế hoạch, năm 2013 công ty sẽ sản xuất 200.000 chiếc và phấn đấu đến năm 2017 sẽ cung cấp đủ công-tơ các loại cho các Điện lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên, từng bước thay thế các loại công-tơ cũ.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH