Từ trước đến nay, mỗi khi đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân chỉ dùng kinh nghiệm xác định khu vực nhiều cá để buông lưới nên năng suất không ổn định, có chuyến trúng to, có chuyến lỗ nặng. Hiện nay, máy dò ngang - thiết bị hiện đại lắp đặt trên tàu giúp ngư dân xác định chính xác khu vực nhiều hải sản, nhờ vậy mà mẻ lưới nào cũng đạt năng suất cao.
Ông Lê Văn Chiến đang thuyết minh về tín hiệu trên màn hình của máy dò ngang. |
Cách đây hơn một năm, theo tàu đánh bắt xa bờ công suất 500CV số hiệu ĐNa 90351TS của ông Lê Văn Chiến, ở tổ 4, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), chúng tôi cùng ra biển để kiểm nghiệm tính hiệu quả của máy dò ngang, thiết bị hiện đại lần đầu tiên lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Đà Nẵng. Khi ra cách mũi Tiên Sa chừng 20 hải lý, ông Chiến ấn nút đưa máy dò ngang vào hoạt động, đồng thời thuyết minh cho mọi người về cách nhận biết tín hiệu cá hiện trên màn hình đặt tại ca-bin.
Khi trên màn hình hiện lên nhiều nốt chấm nhỏ, ông Chiến cho biết, đó là tín hiệu của cá. Tàu cứ thế lướt sóng và tín hiệu liên tục thay đổi, lúc nhiều, lúc ít. Ông Chiến cho biết: Thiết bị này có khả năng xác định đàn cá trong phạm vi 800 - 1.000m kể từ tàu. Khi trên màn hình tín hiệu của cá hiện dày đặc là dừng lại buông lưới vây bắt. Nhờ vậy, mẻ lưới nào năng suất cũng rất cao. Trước đây, khi chưa lắp thiết bị này, tàu liên tục phải di chuyển rất tốn nhiên liệu, có khi chạy qua khu vực nhiều cá mà không biết. Còn nay, bật máy lên là biết chính xác nơi nào nhiều cá. Không ít chuyến, cá nhiều đến nỗi không còn chỗ chứa.
Nhờ sử dụng máy dò ngang, tàu ĐNa 90351 TS liên tục đạt năng suất cao, chuyến nào cũng trên dưới 20 tấn. Ông Chiến cho biết: Năm 2012, tàu bám biển 9 chuyến, đưa về trên 170 tấn, trừ hết các khoản chi phí, chủ tàu thu hơn 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, bám biển 2 chuyến, chuyến nào cũng bội thu. So trước đây, đánh bắt có sử dụng máy dò ngang, thu nhập tăng gần gấp đôi. Phải nói rằng, thiết bị hiện đại này là cơ hội làm giàu của ngư dân.
Lắp đặt máy dò ngang chưa lâu từ nguồn vốn hỗ trợ 50% của thành phố, tàu ĐNa 90263 TS của ông Nguyễn Thân, ở tổ 28, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đã khẳng định tính hiệu quả vượt trội trong mấy chuyến biển vừa qua. Loại máy lắp trên tàu ông là JMC-CLS-1.000 do nước ngoài sản xuất. Tín hiệu trên màn hình giúp ông ước tính được sản lượng, hướng, tốc độ di chuyển và khoảng cách đàn cá, từ đó quyết định buông lưới vây bắt đúng thời điểm. Theo vị thuyền trưởng này, đánh bắt bằng máy dò ngang đem lại nhiều lợi ích. Đó là năng suất cao, thời gian bám biển ít, đỡ tiêu hao nhiên liệu. Từ hiệu quả thiết thực này, ông Thân đã mạnh dạn đầu tư thêm 164 triệu đồng làm vốn đối ứng để Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố lắp đặt thêm một máy dò ngang trên tàu công suất 820 CV đóng mới vừa hạ thủy cuối năm 2012.
Nói về thiết bị hiện đại này, bà Ngô Thị Kim Cương, Trưởng phòng Khuyến ngư thuộc Trung tâm Khuyến ngư-nông- lâm thành phố cho rằng: Với màn hình 15 inch tinh thể lỏng, tín hiệu 8 màu tùy theo độ mạnh của tín hiệu phản hồi, chương trình tiếng Việt, thang đo 8 nấc tự cài đặt trong phạm vi từ 20 - 2.000m, tần số phát 180 kHz, công suất 1,5kW, hành trình tự nâng hạ đầu dò 200 - 400mm, tốc độ tàu 10 hải lý/giờ… máy dò ngang đã và đang tạo nên sự kỳ diệu trong đánh bắt hải sản của ngư dân. Từ chỗ chỉ đánh mò theo kiểu “may nhờ, rủi chịu”, nay họ biết chính xác nơi nào lắm cá, từ đó năng suất cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do ngư dân khó khăn về vốn đầu tư nên đến nay mới có 3 tàu lắp máy dò ngang.
Khó khăn bà Kim Cương nêu ra rất cần sự chung tay giải quyết của chính quyền và ngành chức năng nhằm giúp ngư dân lắp đặt được máy dò ngang cải thiện hiệu quả đánh bắt hải sản, hăng say bám biển.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU