Hơn 150 tiểu thương đại diện cho 10 chợ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham dự diễn đàn “Tiếp sức hàng Việt - Đồng hành cùng tiểu thương các chợ truyền thống” với không khí sôi động và ý nghĩa vào chiều 14-5.
Lãnh đạo thành phố tham quan các sản phẩm mới tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2013. |
Chú trọng chất lượng
Trước giờ diễn ra diễn đàn, một số nhà sản xuất tranh thủ đem sản phẩm trưng bày tại hội trường để giới thiệu và tìm nhà phân phối ở các chợ. Đại diện Công ty CP Thiết bị Nhà bếp VINA (nhà sản xuất bếp gas Namilux), ông Đỗ Hoàng Nam, Phó phòng Maketing khẳng định: “Hàng Việt đang vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều sản phẩm ngoại nhập khác, nhưng có một điều là hàng Việt đang nỗ lực từng bước chứng tỏ chất lượng và thương hiệu nội địa. Muốn thương hiệu được mọi người biết đến thì phải quảng bá. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng quảng bá với những chính sách bán hàng tốt nhất”.
Cũng với mong muốn thăm dò, đẩy mạnh dòng sản phẩm nội địa của mình cho người dân Đà Nẵng và miền Trung, bà Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Liêu Thanh (nhà sản xuất đồ lót nhãn hiệu Jovial) kỳ vọng: “Nhờ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người dân trong nước mới ưu tiên sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Nói công bằng, hàng Việt tuy không đa dạng mẫu mã nhưng các doanh nghiệp uy tín rất chú trọng chất lượng chứ không như các hàng cấp thấp của Trung Quốc”.
Bà Điệp phân tích, cùng chủng loại nhưng trang phục lót nữ trong nước của công ty sản xuất có giá rất mềm, chỉ từ vài chục nghìn đồng trở lên/sản phẩm, chất lượng bảo đảm. Nếu chẳng may gặp trục trặc về kỹ thuật còn có nhà sản xuất đứng ra chịu trách nhiệm, trong khi hàng Trung Quốc giá cũng xấp xỉ nhưng chất lượng luôn là vấn đề gây lo lắng đối với người sử dụng.
Là người kinh doanh lâu năm tại chợ Hòa Khánh, chị Nguyễn Thị Bê (ngành hàng áo quần) nhìn nhận: “Hàng Việt ngày nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi sẽ so sánh việc kinh doanh giữa hàng Việt và hàng Trung Quốc để thấy rằng dù lợi nhuận trước mắt nhờ giá rẻ, dễ tiêu thụ nhưng gặp không ít rủi ro. Một khi lấy hàng Trung Quốc về bán không hết, tiểu thương sẽ phải chịu lỗ; nhưng đối với hàng Việt, người kinh doanh được giao hàng tận nơi, rất tiện lợi, lại cho phép đổi hoặc trả nếu bị lỗi.
Tạo cơ hội cho nhau
Mở đầu buổi tiếp xúc, trao đổi, ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại thành phố bày tỏ mong muốn tiểu thương chính là cầu nối giúp người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt hơn, bởi hơn ai hết, các chị sẽ là người tư vấn trực tiếp về sản phẩm, góp phần nâng cao sức sống của hàng Việt trên thị trường…
Trong suốt buổi giao lưu, khá nhiều tiểu thương đặt nhiều vấn đề làm doanh nghiệp phải suy nghĩ. Bà Lưu Thị Dung, (kinh doanh tại chợ Đống Đa) hỏi: “Sản phẩm mì ăn liền ViFon có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, đã 50 năm nay nhưng gần đây tôi thấy thương hiệu này khá mờ nhạt so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. ViFon sẽ làm gì để tiếp tục giành chỗ đứng cho mình hay ngủ yên trên chiến thắng?”.
Bên cạnh đó, vẫn không ít rào cản thể hiện trong khâu phân phối hàng hóa Việt qua kênh tiêu thụ hàng hóa truyền thống. Đó là tâm lý ngại giao dịch thanh toán qua kênh phân phối chợ hay bán hàng ở chợ không có khuyến mãi thiệt thòi cho tiểu thương. Bà Ngô Thị Lý, tạp hóa chợ Đống Đa cho hay: “Dù không bán nhưng tôi rất quan tâm đến sản phẩm vì bản thân tôi cũng là người tiêu dùng và tuyên truyền cho hàng Việt. Song tôi thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều việc đưa hàng hóa của mình vào các chợ cũng như chưa có trách nhiệm chăm sóc người tiêu dùng mỗi khi có khiếu nại”.
Lâu nay, để nhận biết sản phẩm có phải của nội địa hay không, người tiêu dùng nhìn phía trong mỗi loại hàng hóa để tìm địa chỉ sản xuất. Tuy vậy, thời gian qua, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bị các nhà sản xuất nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc gian lận “treo đầu dê bán đầu chó”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt mất điểm trong mắt người tiêu dùng lẫn nhà phân phối.
Tìm giải pháp để kết nối các bên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, ấn tượng đầu tiên của hàng Việt là thương hiệu nhưng chất lượng phải được khẳng định, giá thành phải hợp lý, người bán phải có chút tình cảm đối với hàng Việt. “Trước đây, khi tôi cùng các doanh nghiệp Việt đến chợ Đồng Xuân thì nhiều tiểu thương thách thức: hàng Trung Quốc bán mới có lời, liệu hàng Việt có được mẫu mã chất lượng hơn được hàng Trung Quốc hay không. Chúng tôi cũng cảm thấy khuyết điểm vì không thông tin cho người tiêu dùng biết đầy đủ về sản phẩm, dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc. Mặt khác, hạn chế cũng do doanh nghiệp sợ đưa hàng vào chợ vì người ta nói mình là “hàng chợ” nhưng thử hỏi các công ty liên doanh từ Neslady, Unilever đâu có sợ”, bà Hạnh nói. Bà cũng cho rằng, Đà Nẵng nên tổ chức những ngày hội để mời tiểu thương các chợ đến tìm hiểu sản phẩm, bàn bạc đến chính sách bán hàng, khuyến mãi. “Nếu chúng ta gặp nhau, chia sẻ thông tin chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp có lợi”, bà Hạnh nhấn mạnh.
400 gian hàng trưng bày sản phẩm Tối 14-5, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2013 chính thức khai mạc. Đến dự khai mạc có Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng Materiy Yuri Borisovich, Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng Vansa Launhiada, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết… Hội chợ lần này quy tụ 400 gian hàng của 200 doanh nghiệp được người tiêu dùng trong nước bình chọn và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Đà Nẵng. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, đồng thời bày tỏ tin tưởng Đà Nẵng với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, luôn thể hiện tốt vai trò đầu tàu. Thông qua hội chợ, các chương trình hoạt động giao thương sẽ góp phần khơi dậy văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người dân, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong việc giữ vững thị trường với mục tiêu “Phát triển vững chắc mạng lưới phân phối và đẩy mạnh truyền thông cho hàng Việt” như chính chủ đề của hội chợ. DUYÊN ANH |
Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN