(ĐNĐT) - Năm 2013, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (Viện) đã tổ chức khảo sát độc lập, khách quan trên cơ sở kế thừa các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Việc đánh giá môi trường kinh doanh dựa vào thông tin thu thập được qua kết quả khảo sát trên 362 doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn.
Kết quả mà Viện đưa ra tại cuộc họp với đại diện các sở, ngành trên địa bàn, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì hôm 24-5, cho thấy nhiều chỉ số cấu thành chỉ số PCI như: Tính minh bạch; Đào tạo lao động; Chi phí gia nhập thị trường; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; Thiết chế pháp lý… cho kết quả sụt giảm mạnh và có nguy cơ mất điểm tiếp diễn trong năm 2013.
Chẳng hạn, khảo sát về “Tính minh bạch”, có đến 62,2% DN đồng tình với quan điểm cần phải có mối quan hệ để tiếp cận được các thông tin (cao hơn kết quả khảo sát năm 2012 là 52,13%) và 42% DN cho rằng việc thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu (so với 40,85% theo điều tra năm 2012). Về “Chi phí không chính thức”, có 46,5% DN đồng ý rằng, DN trong ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức (so với 35,89% năm 2012); 50% DN đồng ý tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN khá phổ biến (so với 42,96% năm 2012); 42,8% DN cho rằng nếu đã chi khoản không chính thức như yêu cầu, công việc sẽ được giải quyết như mong muốn (so với 15,44% năm 2012). Với chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố”, bên cạnh điểm tích cực, DN cũng phản ánh một số vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể: 30,5% DN cho rằng sự ưu đãi cho các công ty cổ phần hóa là cản trở đối với công việc kinh doanh của DN (cao hơn đáng kể so với 24,4% năm 2012); 35,3% DN đồng ý rằng, thành phố ưu tiên giải quyết các khó khăn đối với DN nước ngoài hơn DN trong nước (tỷ lệ cao hơn so với 10,6% năm 2012); 64,4% DN cho rằng hợp đồng, đất đai… và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay DN có liên hệ chặt chẽ với chính quyền (so với 39,3% PCI năm 2012)…
Tuy nhiên, nhìn nhận về kết quả khảo sát PCI của Viện, đại diện các ngành cho rằng: Các số liệu chỉ mang tính tương đối vì có tới 67,4% DN được khảo sát thuộc diện “siêu nhỏ” (chỉ dưới 10 lao động), dẫn đến cách tiếp cận còn hạn chế. Ngoài ra, số lượng các DN chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại ở địa bàn quận Hải Châu, quận Thanh Khê là không bao quát; thông tin phản ánh của DN chưa khách quan vì thực tế nói các cơ quan thuế, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, phòng cháy chữa cháy gây khó khăn cho DN nhưng khi kiểm tra thì phần lớn DN đều vi phạm.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo niềm tin cho cộng đồng DN trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ hơn. Sắp tới, sẽ đưa thông tin về cơ chế, chính sách, những vấn đề DN quan tâm lên các website của thành phố để DN nắm bắt và đánh giá một cách khách quan. Các ngành có liên quan nhiều đến DN như thuế, hải quan, tài nguyên-môi trường, xây dựng, công thương, lao động… cần tổ chức những buổi đối thoại trong phạm vi hẹp để tiếp nhận những ý kiến kiến nghị, báo cáo UBND thành phố. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Khảo sát độc lập của Viện chính là nhằm đánh giá, rà soát lại xem các sở, ngành của thành phố đã làm tốt chức năng của mình hay chưa. Từ đó, mổ xẻ các nguyên nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục tốt nhất. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là lắng nghe DN với tinh thần cầu thị. Đây là động thái thể hiện sự đồng hành của chính quyền địa phương đối với DN.
Phương Duyên