Trên địa bàn thành phố đã hình thành 14 hợp tác xã (HTX) quy mô nhỏ. Mô hình này bước đầu đạt kết quả khả quan nhưng đặt ra nhiều vấn đề cần được các cấp quan tâm, hỗ trợ.
Hồ cá của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam. |
HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam được thành lập vào cuối năm 2011, hiện có 23 xã viên, hoạt động chủ yếu nuôi cá trên hồ Bàu Tràm, thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). HTX thuê hồ này trong 5 năm (hết thời hạn sẽ ký tiếp hợp đồng), đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xử lý nước, xây dựng nhà quản lý và thả nuôi 900.000 con cá giống các loại (chép, trôi, mè, trám...). Nuôi cá theo phương pháp đánh tỉa, thả bù, bình quân mỗi ngày chi phí thức ăn khoảng 2 triệu đồng. Hằng ngày, HTX bán được từ 400 - 600kg cá, giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, riêng cá điêu hồng 4 tháng thu hoạch một lần, mỗi lần bán được từ 200 - 250 triệu đồng, và cứ 3 tháng thả bù vào 270.000 con cá giống. Một số xã viên còn trồng rau xung quanh hồ để tăng thu nhập. Cả nuôi cá lẫn trồng rau, HTX thu hút 40 lao động, với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, một số xã viên đóng cổ phần còn được chia lợi tức.
Trong khi đó, HTX Song Phước ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) chuyên trồng hoa, trồng nấm, được chính quyền địa phương cho mượn 3.200m2 đất làm cơ sở sản xuất và đặt văn phòng cũng như làm điểm bán hàng, được Hội Nông dân thành phố hỗ trợ giống hoa li li và cho vay ưu đãi 240 triệu đồng. HTX có 3 tổ xã viên: tổ sản xuất nấm, tổ trồng hoa và tổ dịch vụ, với vốn góp ban đầu 100 triệu đồng. Có 4 hộ sản xuất nấm tại HTX và 10 hộ sản xuất nấm tại gia đình được HTX hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Năm 2012, HTX trả công lao động và các chi phí khác tổng cộng 188 triệu đồng, trong khi tổng thu từ bán nguyên, vật liệu... là 201 triệu đồng. Như vậy, khoản lãi qua một năm sản xuất kinh doanh (SXKD) nấm là 13 triệu đồng.
Về trồng hoa, xã viên tự túc toàn bộ việc sản xuất, bán sản phẩm trên đất của HTX và trích 1% lợi nhuận cho HTX. Riêng tổ dịch vụ hiện còn nằm trong phạm vi gia đình các xã viên.
Từ khi thành lập vào tháng 9-2011 đến nay, phần lợi nhuận của HTX Song Phước chỉ đủ trả công xã viên và làm vốn tái sản xuất, chưa có để chia lợi tức cho cổ đông. Vì vậy, một số xã viên xin ra HTX. Hiện HTX kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí xây dựng lò hấp, tủ bảo ôn (làm mát), đăng ký thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật chế biến phân vi sinh để tận dụng nguồn phế phẩm sau khi sản xuất nấm và quan trọng nhất là bố trí nơi sản xuất ổn định. “Vì khu đất HTX đang quản lý nằm trong diện quy hoạch nên không thể đầu tư sản xuất lâu dài”, bà Huỳnh Thị Minh Châu - Chủ nhiệm HTX Song Phước chia sẻ.
Có những HTX rất năng nổ, tích cực tìm kiếm mô hình SXKD để tạo việc làm cho xã viên như nuôi thử nghiệm nhiều loại động vật hoang dã (nhím, heo rừng, ba ba, cá sấu, kỳ đà...) nhằm sàng lọc, tìm chọn giống vật phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng ở địa phương; tổ chức các hoạt động dịch vụ giúp xã viên giảm chi phí vận chuyển trong sản xuất; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên sản xuất tại nhà...
Tuy nhiên, vẫn còn “HTX không văn phòng” - nơi làm việc là nhà ở của chủ nhiệm HTX. Có nhà treo bảng hiệu HTX nhưng trong nhà không có nhân viên nào làm việc. Nhiều HTX chỉ có mức lãi từ 10-20 triệu đồng/năm.
Thực tế cho thấy các HTX có chung 3 kiến nghị: mong được các cấp thẩm quyền cho vay ưu đãi, bố trí mặt bằng SXKD ổn định và có chính sách hỗ trợ khi chi phí đầu vào tăng mà giá sản phẩm không tăng. Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Kim Huyền, cán bộ Hội Nông dân thành phố khẳng định: Mặc dù hiệu quả kinh tế còn thấp nhưng các HTX quy mô nhỏ đạt hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều người, nhất là nông dân lớn tuổi sau quy hoạch, giải tỏa.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM