.

Nên áp dụng mức thuế 20% cho doanh nghiệp

.

Chiều 9-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến của các đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Dự án Luật Thuế TNDN, trong đó ngoài việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22%, còn bổ sung mức thuế suất 20% cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Các đại biểu cho rằng, hầu hết các nước đều có xu hướng giảm thuế TNDN với mức giảm rất mạnh, như Thái Lan giảm từ 30% xuống còn 20%; Malaysia giảm từ 28% xuống còn 25%... nên việc giảm thuế cho các doanh nghiệp là phù hợp, nhưng mức giảm theo dự thảo còn cao.

Ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn nhiều từ quy định chung chung sẽ rất khó thực hiện khi triển khai. Do đó, cần phải quy định cụ thể. Ví dụ như miễn, giảm thuế cho trường hợp bất khả kháng thì phải quy định cụ thể là những trường hợp nào được coi là trường hợp bất khả kháng, đồng thời bên cạnh đó, cần tránh các trường hợp DN kê khai vốn ảo... Theo ông Ân, quy định doanh nghiệp vừa và nhỏ là DN có dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng chưa phù hợp với thực tế, đồng thời nên áp dụng mức thuế suất 20% thuế TNDN cho các DN vừa và nhỏ. Về mức thuế suất ưu đãi đối với một số hoạt động khác còn chưa phù hợp cần phải tính toán lại...

Đa số ý kiến trong hội nghị tán thành với việc bổ sung các nhóm đối tượng là sản phẩm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm an ngư, dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ vào diện không chịu thuế.  

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Ngoại thương cũng đề nghị xem xét lại quy định DN có lao động dưới 200 người và doanh thu dưới 20 tỷ đồng, vì quy định bằng tiền sẽ rất dễ lạc hậu trong những năm tới. Luật cũng nên đưa thêm vào phần chế tài xử phạt các hành vi vi phạm về thuế như khai man trốn thuế, chuyển giá... đồng thời cũng đưa ra ngoài Luật những quy định có thời gian áp dụng ngắn. (THÀNH LÂN)

* Trước đó, sáng 9-5, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

Các đại biểu tham gia góp ý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Các đại biểu tham gia góp ý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, sự ra đời của dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) là rất cần thiết để luật hóa những văn bản pháp quy. Tuy có sự thừa kế của luật cũ nhưng dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) lần này chặt chẽ và được rút gọn hơn, điển hình là từ 11 chương, 86 điều của luật cũ thì nay chỉ còn 5 chương, 76 điều. Trong dự án luật này đã bổ sung nhiều điểm mới và củng cố những vấn đề cũ đã làm cho dự án luật sáng hơn, dễ hiểu hơn.

Góp ý Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn về sử dụng và tiết kiệm tài nguyên chất xám bởi hiện nay việc sử dụng đội ngũ nhân lực ở các địa phương chưa đúng chuyên môn, chuyên ngành gây lãng phí; quy định việc sử dụng trái phép tài sản công; quy định về tổ chức hội hè như đám cưới, đám ma... Theo một số đại biểu, để mang lại hiệu quả cao trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tại Chương 3 cần quy định rõ hơn về vai trò của Chính phủ và Bộ Tài chính để dự án luật thực sự đi vào cuộc sống sau khi được ban hành…

Tin và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.