(ĐNĐT) - Cho dù cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã phải "ngậm ngùi" thừa nhận, người tiêu dùng Đà Nẵng chưa thật sự mặn mà với hàng do địa phương sản xuất. Hàng nhập từ ngoại tỉnh hoặc nước ngoài vẫn có sức hút mạnh hơn, khiến cho các DN Đà Nẵng phải vất vả xoay sở trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập để giành giật thị trường.
TIN LIÊN QUAN
Xuất khẩu dễ hơn bán ở "sân nhà"?
Trong vài năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã xác định một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm: lốp ô-tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh. Nhưng rất tiếc, việc phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực lại chưa đồng hành với mục tiêu mở rộng sản xuất, tăng trưởng sản lượng, mở rộng thị trường nội địa, mà sản xuất theo kiểu gia công phụ thuộc. Chẳng hạn, mặt hàng giày da chiếm ngót nghét 70% nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài để DN có thể gia công sản xuất. Và khi xuất khẩu sang nước ngoài, sản phẩm của DN địa phương làm ra lại phải dán thương hiệu của các hãng giày nổi tiếng. Như vậy, DN Đà Nẵng đơn thuần chỉ làm gia công sản phẩm cho các DN nước ngoài nên luôn phải phụ thuộc vào đơn đặt hàng của đối tác; nói cách khác, DN địa phương đang làm thuê cho DN nước ngoài. Vì thế, sản phẩm làm ra, dù có chất lượng tốt đến đâu cũng ít được người tiêu dùng biết đến đó là sản phẩm của DN Đà Nẵng.
Không ít lần tham dự các cuộc hội thảo do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York đã khẳng định, hầu hết các sản phẩm may mặc của các DN Đà Nẵng, khi xuất sang Mỹ phải dán thương hiệu của các hãng khác. Thực tế hiện nay, các hãng thời trang lớn thường đưa mẫu mã sang cho DN địa phương, sau đó đặt đơn hàng sản xuất theo mẫu thiết kế đó. Khi hàng xuất sang Mỹ, họ sẽ dán nhãn hiệu của họ vào để tung ra thị trường. Như vậy, DN may mặc Việt Nam chỉ có việc đi nhập nguyên liệu rồi sản xuất, tận dụng tận cùng nguồn nhân lực rẻ để kiếm lời.
Thủy sản, ngành kinh tế thế mạnh của Đà Nẵng, nhưng sản đông lạnh đóng gói lại rất ít gặp ở các siêu thị trên địa bàn thành phố. |
Hiện nay, đang tồn tại một thực tế, hàng hóa của DN Đà Nẵng làm ra khi xuất khẩu ra nước ngoài rất dễ, nhưng muốn bán ở địa phương lại cực khó. Phải chăng, “bụt chùa nhà không thiêng”? Về vấn đề này, ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân khiến người dân chưa quen "xài" hàng địa phương sản xuất một phần là do giá cả còn cao, chất lượng, mẫu mã chưa tốt. Bên cạnh đó, các DN Đà Nẵng chưa xây dựng được thương hiệu chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập...
Đầu tư công nghệ sản xuất - yếu tố quyết định
Cũng theo ông Thiết, để đánh bật thương hiệu ngoại, chỉ có cách, các DN Đà Nẵng phải đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất. Nhưng để đổi mới cả về công nghệ và nguồn nhân lực trong thời điểm nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn quả là điều không dễ.
Ông Nguyễn Thành Tám, Giám đốc Công ty TNHH Thành Duy cho biết, khó khăn trong việc đổi mới công nghệ của DN Đà Nẵng hiện nay là do công nghiệp phụ trợ của Đà Nẵng hầu như có rất ít DN tham gia. “Trước đây, DN của chúng tôi có nhu cầu mua dây chuyền sản xuất bao bì, khuôn nhựa gia dụng nhưng không tìm ra. Cuối cùng, buộc phải nhập khẩu nên chi phí đội lên rất nhiều”. Cùng quan điểm như ông Tám, giám đốc một DN sản xuất giấy tại KCN Liên Chiểu cho rằng: “Nếu không đầu tư chiều sâu công nghệ phụ trợ, DN của chúng ta suốt đời cứ phải nhập dây chuyền sản xuất. Như vậy, sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh. Khi sự cạnh tranh về nhân lực giá rẻ, nguyên liệu tại chỗ không còn, phải đi nhập, thì chắc chắn DN khó tồn tại được trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay”.
Để tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, Đà Nẵng đã chọn hướng đi phát triển công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, trước mắt, Đà Nẵng sẽ tập trung vào 4 ngành công nghệ cao như: Công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa và cơ điện tử. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; đồng thời, giúp Đà Nẵng tạo ra những đột phá đặc thù để tăng trưởng và phát triển bền vững. Việc đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, chắc chắn trong thời gian đến, các DN sản xuất tại Đà Nẵng sẽ "đủ sức" cạnh tranh với các DN trong nước và quốc tế.
Như vậy, cốt lõi vấn đề vẫn ở sự nỗ lực tự thân của từng DN. Muốn cạnh tranh được với hàng sản xuất ở những địa phương khác, không chỉ nương nhờ vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của chính quyền địa phương, mà cần thiết, vẫn là chiến lược phát triển của từng DN. Chiến lược đó, tập trung vào việc đổi mới công nghệ, tăng năng lực của hệ thống quản lý, kinh doanh, người lao động và chú trọng hơn đến công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu. Như vậy, DN Đà Nẵng mới tự khẳng định mình, tạo uy tín trong người tiêu dùng bằng chính những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân thành phố.
"Thế mạnh cạnh tranh của sản phẩm chính là hàm lượng công nghệ có trong sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm phải đảm bảo tính an toàn, tiện dụng, bảo vệ môi trường... Chỉ có đầu tư công nghệ, mới tạo nên sức bật mới giúp DN Đà Nẵng khẳng định được thương hiệu không chỉ đối với người dân Đà Nẵng mà còn khẳng định được tên tuổi trên thị trường quốc tế." Ông Lê Viết Tươi, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Trọng Hùng