(ĐNĐT) - Trong môi trường quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, doanh nghiệp (DN) xác định đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân sống còn để tồn tại và phát triển. Đây được xem là “chìa khóa” góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiệu quả từ một chương trình
Sau 5 năm (2006-2010) thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, đến nay, Đà Nẵng đã xác định được 5 sản phẩm chủ lực, gồm: Lốp ô tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi măng. Các sản phẩm này đã khẳng định được “tên tuổi” tại thị trường trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng khẳng định: Hầu hết các DN tham gia chương trình đều có bước đầu tư mạnh mẽ và thành quả là sự gia tăng đáng kể về quy mô và sản lượng. Đơn cử, sau hai năm tham gia vào chương trình, năm 2008, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đạt doanh thu 1.315 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2007. Và bước sang quý 1 năm 2012, doanh thu đạt gần 700 tỷ đồng. Đối với Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, doanh thu trong năm 2008 cũng đạt 930 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2007; đến năm 2012, con số này vượt lên đến 2.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2011, xuất khẩu đạt 88,18 triệu USD, tăng 16% và trong năm 2013, phấn đấu đạt tổng doanh thu 2.300 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 100 triệu USD, tăng thu nhập bình quân người lao động lên 10%.
Theo bà Mai, mặc dù việc triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng đây chính là “đòn bẩy” để các DN đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng có quy mô lớn và tiềm năng.
Trong năm 2013, tổng vốn đầu tư phát triển của ngành công nghiệp Đà Nẵng ước đạt 10.200 tỷ đồng, tăng hơn 10,2 lần so với năm 2003. Trong giai đoạn 2003-2013, các dự án đầu tư lớn trên địa bàn chủ yếu tập trung ở khu vực DN công nghiệp Trung ương và các DN có vốn FDI; khu vực DN ngoài quốc doanh cũng có một số dự án lớn tập trung trong ngành thép và chế biến thực phẩm, thủy sản… Việc đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ở các DN Nhà nước đã có chuyển biến rõ nét. Theo khảo sát năm 2012, phần lớn máy móc thiết bị (MMTB) được sử dụng trong các DN ngành công nghiệp hiện nay được sản xuất sau năm 2000; trong đó, MMTB mua mới chiếm tỷ lệ cao, bình quân đạt 76%. Một số ngành có tỷ lệ sử dụng MMTB mới đạt trên 90% như: Công nghiệp hóa chất (95,9%); CN điện tử-cơ điện (93,9%); Sản xuất MMTB và phương tiện vận chuyển (93,3%); Sản xuất giường tủ, bàn ghế và các ngành chế tạo khác (94,5%). Riêng phân ngành công nghiệp khai khoáng có tỷ lệ sử dụng MMTB đạt thấp, 38,8%.
Đến nay, Đà Nẵng đã xác được 5 sản phẩm chủ lực gồm: Lốp ô tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi măng. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ |
Đến nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã hình thành, phù hợp với chiến lược phát triển sản phẩm đã được xác định, tạo đà tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: thủy sản chế biến, hàng may mặc, xi măng, săm lốp cao su, bia, giày, sắt thép, phôi thép, linh kiện và thiết bị điện-điện tử... Trong đó, nhiều sản phẩm đã có sự thay đổi về chất và nâng cao dần giá trị gia tăng, không ngừng khẳng định thương hiệu và tạo được uy tín trên thị trường như: săm lốp cao su DRC; sản phẩm dệt may của Hotexco, Hachiba, Vinatex Đà Nẵng, Dacotex, Danatex…; bia Larue; dược phẩm của Danapha; sắt thép DANA-Ý.
Chủ động đổi mới công nghệ
Xác định đổi mới dây chuyền công nghệ là yếu tố sống còn để nâng cao sức cạnh tranh của DN, nên những năm qua, một số DN ở Đà Nẵng đã tiên phong tìm hướng đi mới là nhập công nghệ nước ngoài và phát triển lên trong điều kiện của DN Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạch Bàn miền Trung cho biết, mặc dù dây chuyền sản xuất gạch của công ty được nhập công nghệ từ Ý - Đức - Nhật nhưng không phải là nhập toàn bộ dây chuyền, mà chỉ nhập những gì cần thiết, sau đó phát triển lên trong điều kiện của DN. Cụ thể, thông thường hiện nay, để sản xuất gạch phải dùng nguyên liệu đất sét, có độ dẻo, độ kết dính cao. Thế nhưng, với công nghệ của Thạch Bàn, có thể dùng đất đồi, đất tạp. Đây là công nghệ bán dẻo duy nhất tại Việt Nam. Với công nghệ này, gạch Thạch Bàn đủ sức cạnh tranh với bất cứ loại gạch khác trong và ngoài nước tại thị trường Đà Nẵng. Lý do, trong khi gạch ngoại vận chuyển tới Đà Nẵng cước phí lớn và gạch nội phải "bó tay" nếu hết đất sét hoặc thời tiết mưa bão không sản xuất đượcm, thì riêng gạch Thạch Bàn, bất chấp cả mưa bão, vẫn có thể ra lò. Cũng theo ông Sơn, mấu chốt cuối cùng để tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm chính là công nghệ.
Nằm trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, giữ vững thị phần trong nước, hướng đến quá trình hội nhập, đáp ứng yếu tố bảo vệ môi trường, những năm gần đây, các DN thép ở Đà Nẵng cũng đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn An, Tổng giám đốc Công ty CP thép Thái Bình Dương cho rằng: Những năm qua, ngành thép luôn phải chịu áp lực trước việc tăng giá điện. Đối với công ty thép Thái Bình Dương, chúng tôi đã xác định ngay từ khi đầu tư dây chuyền khép kín, chỉ có đổi mới công nghệ là con đường tất yếu để tăng cường năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng trong tình hình hiện nay. Không chỉ có thế, đổi mới công nghệ còn mang lại lợi ích về tiết kiệm chi phí mà ai cũng thấy rõ.
Thực tiễn cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng hiệu quả sử dụng cao, mang lại lợi nhuận tốt cho DN. Cũng theo ông An, trong chiến lược kinh doanh của công ty, thép Thái Bình Dương luôn chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, giảm bớt hao phí điện năng để giảm giá thành từ khâu nấu luyện đến thành phẩm nên giá cạnh tranh rất cao. Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Thép DANA- Ý Đà Nẵng cũng cho rằng: Đối với ngành sản xuất thép, việc chủ động đổi mới công nghệ sẽ tiết kiệm điện năng, chủ động về giá thành sản phẩm cũng như bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. "Hơn 500 tỷ đồng là số tiền mà công ty dùng để đầu tư dây chuyền công nghệ luyện Consteel trong sản xuất thép. Đây là dây chuyền công nghệ luyện thép có chức năng nạp liên tục nên tiết kiệm rất nhiều điện năng và hạn chế ô nhiễm môi trường cao. Dây chuyền này có công suất 250.000 tấn/năm, gồm dây chuyền cán thép cây từ phi 10 đến phi 32 và dây chuyền luyện thép công suất 40 tấn, sử dụng công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng", lãnh đạo công ty này cho biết thêm.
Có thể khẳng định, đổi mới dây chuyền công nghệ là yếu tố sống còn để nâng cao sức cạnh tranh của DN. Ở Đà Nẵng, số DN có khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ còn hạn chế nhưng có thể coi đây là những tín hiệu tích cực của các DN trong quá trình tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và cũng là hướng đi cần thiết để các DN có thể tăng trưởng liên tục, phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Trọng Hùng