Điểm mạnh nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là dễ đầu tư vì quy mô sản xuất nhỏ, nhưng lại giải quyết một lượng lao động rất lớn cho xã hội, hiện có trên 70% lao động của thành phố đang hoạt động trong các DNNVV. Ngoài ra, DNNVV rất năng động, dễ chuyển đổi hình thức sản xuất và thích nghi nhanh với cơ chế thị trường. Hằng năm giải quyết hơn 90% việc làm mới, đóng góp hơn 40% GDP của thành phố.
Tuy nhiên, sản phẩm của DNNVV chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng, phụ trợ hoặc gia công cho các doanh nghiệp lớn. Vì thế, DNNVV dễ bị tổn thương khi có những biến động về thị trường. Sau gần 5 năm khủng hoảng kinh tế vừa qua, cả thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp bị giải thể, trong đó chủ yếu là DNNVV (tính đến quý 1-2013, đã có hơn 30% DN trên địa bàn Đà Nẵng phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, xin giải thể hoặc phá sản). Hầu hết các DNNVV đang lâm vào tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, hàng tồn kho gia tăng, việc tiếp cận vốn vay chưa được cải thiện do lãi suất vẫn còn cao…
Thiếu mặt bằng
Trong nhiều cái khó của DNNVV hiện nay thì khó nhất vẫn là không có mặt bằng sản xuất, ngay cả trụ sở của Hội DNNVV cũng không có, rất bất tiện cho hội viên đến liên hệ, trao đổi. Trong những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trên địa bàn thành phố, các DNNVV cũng mất mặt bằng sản xuất ngày càng tăng. Trong khi đó số doanh nghiệp vào được các khu công nghiệp do thành phố quy hoạch rất hiếm, vì không có khả năng tài chính. Việc không có mặt bằng sản xuất cũng đồng nghĩa với việc phải giải thể doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp không có mặt bằng để giới thiệu và trưng bày sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trúc Xanh (chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng đá phong thủy và đồ mỹ nghệ), cho biết công ty bà nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền, các ngành dành cho một địa điểm (kể cả vỉa hè một số tuyến đường du lịch) để bày bán và giới thiệu sản phẩm, nhưng chưa được chấp nhận. Tương tự như vậy, Cơ sở sản xuất Thạch ảnh - Lê Đức Vỹ vì không có mặt bằng trưng bày sản phẩm, nên phải thuê một quầy trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm bày bán sản phẩm, mặc dù đây là sản phẩm được công nhận là độc đáo và duy nhất ở Việt Nam. Vì vậy, sản xuất của cơ sở này cũng chỉ luẩn quẩn tại nhà riêng của ông Vỹ, rất khó phát triển.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp
Ngoài cái khó về mặt bằng như đã nêu trên, DNNVV cần nhất vẫn là cơ chế và chính sách phù hợp, trong đó đặc biệt đối với nguồn vốn. Để giải quyết khó khăn về vốn của các doanh nghiệp, ngành Ngân hàng cần kiểm tra, xem xét, phân loại các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi và phát triển sẽ khoanh nợ cũ và cho vay mới với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có vốn sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần điều chỉnh và có cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp tiếp xúc với nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố. Mặt khác, để giúp các doanh nghiệp trong khâu quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, thành phố nên miễn phí mặt bằng cho các DNNVV khi tham gia các hội chợ do thành phố tổ chức, mở rộng các đối tượng được hỗ trợ khi tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ hơn hoặc có những quy định chặt chẽ hơn khi cấp phép thành lập doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch của thành phố. Vì trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp khi thành lập không hội tụ đủ các điều kiện để phát triển, chẳng hạn như không có người có chuyên môn về lĩnh vực ngành nghề được kinh doanh nên rất lúng túng trong khâu xây dựng kế hoạch đầu tư…
ĐỨC THỊNH