.

Đổi mới tư duy từ một dự án

.

Mục tiêu phát triển thành phố hài hòa và bền vững đã giúp Đà Nẵng tiếp cận được nguồn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên có quy mô lớn và tính chất đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên của WB. Dự án hoàn thành không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị mà quan trọng hơn là sự tác động làm đổi mới tư duy của các ngành trong điều hành đô thị  và thực thi dự án.

Cầu Nguyễn Tri Phương, một trong những công trình thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên. 					Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cầu Nguyễn Tri Phương, một trong những công trình thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Mục tiêu phát triển thành phố hài hòa và bền vững đã giúp Đà Nẵng tiếp cận được nguồn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (Dự án) có quy mô lớn và tính chất đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên của WB. Dự án hoàn thành không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị mà quan trọng hơn là sự tác động làm đổi mới tư duy của các ngành trong điều hành đô thị và thực thi dự án.

Không quy định giá trần đấu thầu

“Những khó khăn mà ngành kế hoạch đầu tư và tài chính thành phố gặp phải trong quá trình phối hợp thực hiện Dự án là phải “chạy theo” để tiếp cận thể chế chính sách quốc tế trong đấu thầu xây dựng cơ bản. Các gói thầu không bị khống chế giá trần mà sát với giá thực tế, và như vậy, tổ chức trúng thầu có giá thấp nhất cũng không bị giá trần do cơ quan thẩm định đưa ra ép xuống hoặc nâng lên”, ông Bùi Hồng Trung, Trưởng phòng Giám định và Quản lý chất lượng công trình - Sở Giao thông vận tải thành phố (đơn vị chủ đầu tư Dự án) cho biết. Với tư duy khác biệt, không gò bó vốn xây dựng cơ bản mà theo quy luật cạnh tranh thị trường, chủ các gói thầu sẽ có trách nhiệm cao trong việc bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.

Sau nhiều chuyến giám sát, ông Parameswaran Iyer, chuyên gia đầu ngành về đô thị của WB đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 5-2013, bày tỏ sự hài lòng về chất lượng các công trình, hạng mục của 70 gói thầu thuộc Dự án. Từ thành công của Dự án đầu tiên này, WB đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng thực hiện Dự án Phát triển bền vững có quy mô lớn hơn (272,2 triệu USD), nhưng tính chất không đổi.

Chỉ đầu tư cho cái thiếu

Quan điểm của các cấp, các ngành ở Việt Nam lâu nay theo đánh giá của WB  thường đầu tư cho cái gì có triển vọng. Vì vậy, thực tế đã có nhiều dự án lãng phí rất lớn nguồn ngân sách Nhà nước như các dự án đào tạo nguồn nhân lực mà không có địa chỉ sử dụng, đầu tư hạ tầng sân bay, cảng biển tràn lan mà nhu cầu phát triển chưa có... Với dự án này, WB chỉ ưu tiên đầu tư cho những cái thiếu để phục vụ an sinh xã hội. Cụ thể, người dân nghèo một số khu vực được cải thiện điều kiện sống, được giải quyết các bức xúc về môi trường, hay xây mới các tuyến giao thông làm nền tảng thúc đẩy phát triển, mở rộng đô thị, đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực điều hành đô thị và hỗ trợ thực thi dự án. Từ đó, hàng chục khu dân cư thu nhập thấp của 2 quận Thanh Khê, Hải Châu đã được nâng cấp hoàn toàn về chỗ ở, giao thông, cấp - thoát nước,  hệ thống điện chiếu sáng, trường học, khu vui chơi, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... giúp giảm khoảng cách về điều kiện sống giữa các khu vực dân cư trong trung tâm thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện WB, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành công trình cầu Nguyễn Tri Phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện WB, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành công trình cầu Nguyễn Tri Phương.

Nói về hiệu quả lớn nhất của hợp phần cầu và đường đô thị thuộc Dự án, kỹ sư Phan Khánh Toàn, Giám đốc điều hành công trình cầu Nguyễn Tri Phương khẳng định: “Công trình cầu Nguyễn Tri Phương hoàn thành tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuân lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng Đông-Nam thành phố phát triển theo định hướng quy hoạch”. Trong quá trình triển khai Dự án, đã có 3.700 lượt cán bộ, kỹ sư của các ngành, địa phương liên quan được tham gia các chương trình nâng cao năng lực trong các lĩnh vực quản lý dự án, đầu thầu, quy hoạch giao thông, quản lý nước thải... để thực thi Dự án và tiếp quản duy tu, bảo dưỡng các công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Tham vấn cộng đồng

Vai trò và trách nhiệm của người dân khu vực bị ảnh hưởng của Dự án được Ban Điều hành đề cao theo hướng tham vấn lấy ý kiến trước khi triển khai dự án liên quan đến môi trường, tái định cư. Các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng kiệt, xóm trong các khu dân cư thu nhập thấp đều có vai trò giám sát cộng đồng để phản ánh kịp thời các tồn tại nảy sinh trong quá trình triển khai công trình. Các ý kiến của người dân dù đa chiều nhưng đều được xem xét, không mang tính ép buộc. Khi người dân thấy được ý nghĩa của Dự án, nhu cầu đầu tư, có sự so sánh lợi ích và đồng thuận thì Dự án mới tiến hành. Nhờ đó, các công trình nhận được sự tự nguyện hỗ trợ của người dân từ khi triển khai và tham gia bảo dưỡng sau khi tiếp nhận công trình hoàn thành, tạo tính bền vững của Dự án.

Những bài học kinh nghiệm về cách thức tiếp cận, nâng cao năng lực triển khai thực hiện và quản lý Dự án sẽ là cơ sở vững chắc để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Dự án Phát triển bền vững thuận lợi hơn.

Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 218 triệu USD, trong đó nguồn ODA của WB gần 70%, vốn đối ứng  hơn 30%. Dự án bao gồm 4 hợp phần: nâng cấp đô thị, cơ sở hạ tầng môi trường, cầu và đường đô thị, tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư và quản lý các dịch vụ đô thị. Thời gian thực hiện từ năm 2008 đến tháng 6-2013.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.