.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:

Bài 2: Doanh nghiệp chưa đồng thuận

.

Dưới cách nhìn của các nhà quản lý kinh tế thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức bao trùm tất cả các hiệp hội nghề nghiệp khác nhau với trên 12.000 hội viên, có đóng góp 40% GDP thành phố hằng năm. Tuy nhiên, sau khi kết thúc nhiệm kỳ quá một năm và nhiều lần thương thảo có sự can thiệp của chính quyền thành phố, Hiệp hội mới tổ chức được Đại hội nhiệm kỳ II (2013-2018), nhưng vẫn chưa tìm được doanh nhân có đủ “điều kiện” để làm Chủ tịch Hiệp hội. Có nhiều lý do liên quan đến quan hệ chính quyền - doanh nghiệp và quan hệ giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, đầu tư của thành phố.

Doanh nghiệp Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.
Doanh nghiệp Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thiếu niềm tin

Không riêng Đà Nẵng mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước trong thời gian qua phải đối mặt với những biến động liên tục về chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước được cho là nhằm mục đích điều tiết, ổn định kinh tế thị trường và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Song, khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đà Nẵng gặp phải, theo báo cáo của Hiệp hội, là về vốn kinh doanh. Vốn vay ngân hàng vẫn khó tiếp cận, thủ tục rườm rà, không tiếp cận được với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp nào “đủ điều kiện” tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng của thành phố như cam kết của lãnh đạo địa phương.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và sản xuất ở trong tình trạng bất an về tính ổn định mặt bằng kinh doanh và việc bồi thường không thỏa đáng nếu bị thu hồi đất. Hay như kiến nghị nhiều năm về hình thành khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành lập Quỹ tín dụng bảo lãnh cho đối tượng này cũng chỉ vừa mới được chính quyền thành phố cam kết gần đây.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố thực hiện tháng 4-2013, chỉ có 21,4% doanh nghiệp cho rằng Hiệp hội Doanh nghiệp và Hiệp hội Ngành nghề là kênh đóng góp ý kiến hiệu quả. Các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa cải thiện tốt hơn vai trò của mình trong việc tư vấn và phản biện các chính sách của thành phố. Những nguyên nhân chính được đưa ra gồm: Năng lực của hiệp hội còn hạn chế, không thể hiện vai trò đại diện của doanh nghiệp, các góp ý xây dựng phản biện của các hiệp hội ít được tiếp thu và cuối cùng là lãnh đạo thành phố không khuyến khích.

Chưa liên kết để tồn tại

Ông Hà Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường, cho rằng: “Sự cạnh tranh, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề là điểm rất yếu của doanh nghiệp Đà Nẵng. Khi cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn tới, áp lực duy trì và phát triển sản xuất trở thành mối lo thường trực và cấp bách của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt tay nhau, mở rộng các mối quan hệ liên kết, tiêu thụ sản phẩm của nhau vừa để vượt qua khó khăn trước mắt vừa để chuẩn bị cho bước phát triển mạnh hơn trong thời gian sau khủng hoảng. Điều này đa số doanh nghiệp Đà Nẵng chưa làm được”.

Tính đến quý 1-2013, đã có hơn 30% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, xin giải thể hoặc phá sản. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn như nợ xấu, nợ quá hạn, hàng tồn kho gia tăng, sức mua giảm sút, việc tiếp cận vốn vay chưa được cải thiện… Chính sự đoàn kết lúc này là cơ sở quan trọng để phát huy tinh thần doanh nghiệp, nhưng trong Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố vẫn chưa có sự thống nhất, đồng thuận để bầu chọn một “thủ lĩnh” dẫn dắt phong trào sản xuất, kinh doanh và trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền.
Nói là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thực chất quy mô doanh nghiệp của Đà Nẵng đa số dừng lại ở mức nhỏ và siêu nhỏ. Dù vậy, theo quan điểm chỉ đạo của chính quyền thành phố “không phải vì nhỏ mà các dịch vụ công không hỗ trợ thỏa đáng, công bằng như các loại hình doanh nghiệp khác.” Vì vậy, để được tiếp cận các dịch vụ công, các chính sách, ưu đãi như nhau thì trước tiên doanh nghiệp phải có chung “tiếng nói”.

Bài và ảnh: Phương Nguyễn, D.Anh
 

;
.
.
.
.
.