Lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa của nước ta, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã được hợp thức hóa bằng mọi cách để tuồn vào Việt Nam. Vì hám lợi trước mắt, không ít doanh nghiệp, cá nhân tiếp tay cho “hàng lạ” kém chất lượng xâm nhập thị trường Việt Nam.
Trong các siêu thị có bao nhiêu phần trăm là “hàng lạ”, cả cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng không thể nào biết được. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: Duyên Anh |
Đội lốt “Made in Vietnam”
Nông sản, trái cây, gia vị, thực phẩm là những mặt hàng Trung Quốc (TQ) tiềm ẩn chất độc dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNN) phát hiện các sản phẩm nho, táo, lê có tẩm hóa chất vượt 3-5 lần cho phép. Năm 2013, cũng cơ quan này phát hiện nông sản gừng, chanh xuất xứ từ TQ có chứa thuốc trừ sâu… Hàng nhập lậu từ TQ đang được bày bán tràn lan khắp cả nước, gây áp lực cho các cơ quan chức năng và tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng. Với mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn 20-30%, hàng TQ đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.
Ở Đà Nẵng, tại chợ đầu mối Hòa Cường - nơi mỗi ngày có khoảng 300 - 350 tấn nông sản tập kết về chợ trước khi phân phối đi các tỉnh, thành phố lân cận. Trước đây, số lượng nông sản nhập về chợ chủ yếu từ TQ, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã giảm rõ rệt. Theo đăng ký tại ban quản lý chợ, hiện chỉ còn 2 hộ chuyên kinh doanh nông sản nhập từ TQ. Tuy nhiên, cũng từ đây, rau, củ, quả mang mác “nhà vườn” như nho Ninh Thuận, cam miền Tây, cà rốt, khoai tây, bí đỏ Đà Lạt, bắp cải Hà Nội… thực chất xuất xứ từ TQ. Trước khi bị lật tẩy, người tiêu dùng không biết đây là hàng TQ đội lốt “Made in Vietnam” như vụ phát hiện hơn 26 tấn khoai tây TQ có chứa hóa chất độc hại được đưa về Đà Lạt lăn bằng đất đỏ, rồi phân phối về các tỉnh, thành phố.
Liên quan đến công nghệ nhãn mác hàng Việt, phóng viên Báo Đà Nẵng vừa nhận được phản ánh của một bạn đọc tên N.T.H.L (đang làm việc tại Công ty Giấy Vĩnh Nghiệp, Khu công nghiệp Hòa Khánh) với bằng chứng: Một chiếc áo ngực được mua tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) có giá 40.000 đồng với miếng vải ghi nhãn mác phía trong thân áo đã bị cắt. Thay vào đó là một nhãn phụ bằng tiếng Việt được buộc rời vào sản phẩm có nhãn hiệu Kids xuất xứ “Made in Vietnam”, nhưng không có địa chỉ nơi sản xuất. Chị L. nghi ngờ dòng chữ bị cắt là “Made in China” nên đã rạch hai đường bên thân áo thì lòi ra 2 miếng chất dẻo hình tổ ong. Không riêng trường hợp chị L, một số sinh viên Trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch cũng mua phải những chiếc áo bị “thay tên đổi họ” như vậy mà không biết kêu ai.
Trong vai một người có nhu cầu nhập hàng TQ nhưng sợ khó tiêu thụ, chúng tôi được chị Đ.T.T.H (trú tại Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mách mối điện thoại đến một số địa chỉ trên phố Hàng Bồ, chợ vải Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân… để đặt hàng mua các loại nhãn mác theo nhu cầu, nhằm “phù phép” “hàng lạ” thành hàng Việt Nam. Không cần tốn nhiều tiền, mỗi một nhãn mác bằng vải nhỏ như ngón tay cái đính liền trên áo quần chỉ phải trả 250 - 300 đồng. Giá một chiếc váy trẻ em mua từ TQ chỉ với giá 15.000 đồng/cái, nhưng khi biến thành hàng “Made in Vietnam” thì giá lên đến 80.000 - 120.000 đồng/cái. Sản phẩm bán dễ dàng lại được người dân trong nước mặc nhiên tin tưởng. Chúng tôi đã thử khảo sát tuyến đường Lê Duẩn ở Đà Nẵng (đoạn từ ngã tư Lê Lợi đến Ngã ba Cai Lang) có gần 300 cửa hàng thời trang, dù cố gắng tìm nhưng vẫn rất ít sản phẩm có nhãn hiệu “Made in China”, thay vào đó là những tên tuổi thời trang Việt ở Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng bao nhiêu phần trăm hàng hóa trong các cửa hàng đó là hàng Việt thật, không ai biết chính xác?
Người tiêu dùng thông thái cũng... thả tay
Những người buôn hàng sỉ lâu năm cho các chợ Đà Nẵng tiết lộ: Để đánh lừa người tiêu dùng, ngoài việc hàng được nhập khẩu vào Việt Nam, bóc nhãn “Made in China” rồi dán nhãn “Made in Vietnam” vào, các nhà sản xuất còn dùng “chiêu” chỉ ghi nguồn gốc xuất xứ ở ngoài kiện hàng lớn chứ không ghi trong từng sản phẩm, đến khi người mua mua từng sản phẩm thì không thể tìm được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, đại lý bưu điện tại quận Hải Châu thắng thắn nói: Trong chợ thì làm sao phân biệt được hàng nào là của Việt Nam, hàng nào là của TQ. Trong khi tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là cứ hễ thấy hàng nào rẻ và bắt mắt là mua. Quan trọng nhất là cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ thì thiệt hại lớn vẫn là người tiêu dùng.
Theo ông Trần Thượng Quáng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8, Chi cục Quản lý thị trường thành phố, nếu sản phẩm còn niêm trong thùng mới kiểm tra được, khi đã đổ ra bán thì “khoai Tây cũng như khoai Tàu”, không thể kiểm soát được. Bên cạnh nhập khẩu chính ngạch, “hàng lạ” còn vào thị trường Đà Nẵng theo đường tiểu ngạch. Mỗi lô hàng chỉ trị giá từ 5 - 10 triệu đồng, đi riêng lẻ và trà trộn vào các xe hàng khiến cơ quan chức năng không kiểm soát được, nếu có phát hiện cũng khó xác minh nguồn gốc. Hàng nước ngoài nhái các nhãn hiệu trong nước là hiện tượng có thật, đã tồn tại từ lâu gây thiệt hại cho hàng hóa trong nước. Thế nhưng, hướng xử lý các vi phạm này vẫn chưa rõ ràng, triệt để vì không truy nguyên được nhà sản xuất.
Nếu như trước đây, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tư vấn người dân hãy tránh xa những sản phẩm không rõ nguồn gốc thì giờ đây những cơ sở sản xuất nhãn in đã tiếp tay cho những đối tượng mua gian bán lận, khiến người tiêu dùng không biết đâu là thật, giả để tránh xa.
DUYÊN ANH - THU PHƯƠNG