Thông tin về các cơ sở sản xuất bún ở Tây Ninh vừa bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng hóa chất tẩy trắng đã lan nhanh đến những vùng quê ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Chưa rõ thực hư tin đồn về công nghệ làm bún trắng ở đây như thế nào, nhưng mấy ngày qua hàng chục hộ cá thể có nghề làm bún bằng máy tại Hòa Vang đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn: làm tiếp không được, bán máy cũng chẳng xong.
Ông Phạm Dũng tần ngần trước quyết định bán máy, trở về làm bún tay. Ảnh: DUYÊN ANH |
Lao đao vì tin đồn
Chợ Túy Loan, trung tâm mua bán của huyện Hòa Vang, những ngày này câu chuyện “bún có hóa chất” được bàn tán rôm rả nhất. Kể cả những người làm nghề “thồ chợ lên non” đi tới đâu cũng không ngớt truyền khẩu về chuyện nhà ông A., bà C. ở thôn này thôn nọ làm bún có chất tẩy trắng. Tiếp chúng tôi với thái độ dè dặt, chị Nguyễn Thị Huệ (hộ làm bún thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn) buồn bã nói: “Có ra chợ mới thấy nản lòng, mọi người cứ xúm vô là gièm pha bình luận đủ kiểu, rằng ăn bún ni độc chết. Trước đây, hộ tôi làm khoảng 3 - 4 tạ/ngày nhưng bữa nay đã giảm khoảng 10% sản lượng. Máy móc, nhà cửa đầu tư cả mớ tiền mà giờ biết kêu ai. Muốn gọi cho các chủ bán máy làm bún cho mình để họ lên tiếng giúp, nhưng máy của họ đã được kiểm định tiêu chuẩn kỹ thuật đàng hoàng. Cơ sở của tôi cũng được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bản thân thường xuyên đi học lớp vệ sinh an toàn thực phẩm và được kiểm tra hằng năm. 10 năm làm bún rồi, cả nhà đều sống bằng nghề ni không lẽ lại muốn đánh mất uy tín của mình hay sao?”.
Ở thôn An Tân (xã Hòa Phong), gia đình ông Phạm Dũng có nghề làm bún nhiều năm nay cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đi lên từ lò bún thủ công và mới chỉ làm máy được 2 tháng đã phải tính chuyện bán đi. Theo ông Dũng, cái máy làm bún ông vừa sắm với giá 56 triệu đồng, cộng với đầu tư thêm hệ thống điện 3 pha, bồn chứa nước 700 lít, nâng cấp nền nhà… tất cả giá trị khoảng 80 triệu đồng. Số tiền này ông vay mượn của bà con với hy vọng có máy sẽ cải thiện đời sống. “Cứ nghĩ đầu tư máy sẽ cho năng suất, giải phóng sức lao động và có thêm thu nhập, chứ ai ngờ như thế này, chúng tôi thà làm thủ công còn hơn. Gia đình chúng tôi mỗi ngày chỉ làm 1 - 1,5 tạ bún, nhưng hiện tại sản lượng giảm còn một nửa vì bị người dân tẩy chay. Mấy bữa ni cả nhà như ngồi trên đống lửa vì không có thu nhập cho các con ăn học, tháng nào cũng đủ thứ tiền phải lo. Thôi thì đành quay về thuở xưa để bảo đảm kế sinh nhai cho cả gia đình. Tin đồn kiểu ni, nếu làm bún máy nữa thì sớm muộn chúng tôi cũng chết vì đổ nợ. Bây giờ liệu có bán máy được không nữa. Cô thấy có oan ức không?”. Cung cấp bún sỉ và lẻ cho hàng chục thôn, xã của huyện Hòa Vang, bà Thu (một hộ làm bún có tiếng ở thôn Túy Loan Đông 1) thở dài: “Tôi cũng quá ớn rồi, trước đây ngày làm vài tạ cũng bán hết, chừ có ngày phải chở xuống thành phố nhờ bán giúp. Có giải thích hết sức, nhiều khách hàng cũng đâu có nghe”.
Trong khi những người làm bún bằng máy đang gặp khó vì sức tiêu thụ giảm đột ngột thì những người làm bún bằng tay lại bán đắt hơn bình thường. Nhiều nghi vấn đặt ra, liệu tin đồn có bắt nguồn từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa hộ làm bún thủ công và hộ làm bún máy?
Làm sao để minh oan?
Những ngày có mặt để tìm hiểu hiện trạng các lò bún, chúng tôi được người dân các xã đưa đến nhiều cơ sở nhỏ. Khác với hình dung về mặt bằng sản xuất nhếch nhác ở thôn quê, nhiều hộ gia đình đã nỗ lực trang bị máy móc, xây mới khu vực lọc bột, chế biến, các thiết bị được úp đậy cẩn thận… Những hộ có nghề làm bún lâu năm giải thích, làm bún thủ công có những nhược điểm như tốn nhiều thời gian, công sức, nấu lò trấu bụi bặm. Ngược lại, với quy trình của lò bún máy sẽ cho sợi bún đẹp hơn, mướt hơn và nhất là giải phóng được sức lao động chân tay. Anh Chiến (thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn) quả quyết: “Làm bún trắng thì dễ thôi, cứ làm sạch gạo ngay từ đầu chứ đâu nhất thiết phải dùng chất gì. Hồi chưa có kinh nghiệm, tôi toàn mua gạo cứng sợi bún lại nát. Có bữa vút gạo sạch quá ra bún trắng quá, khách hàng lại sợ”. Đông đảo người làm nghề khẳng định, gạo ngon sẽ cho bún ngon. Nếu chất lượng gạo kém, ẩm, mốc, đục chắc chắn bún thành phẩm bị nát, chua, hoặc không có mùi thơm. Do đó, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn gạo chứ không nên đổ thừa cho máy móc hay pha chế hóa chất. Cũng như để cọng bún dai trong, mọi người thường nghi oan người làm dùng hàn the hay bột lọc nhưng chỉ cần trộn hai thứ gạo (gạo xuyệt và gạo khan dân) với tỷ lệ hợp lý đủ độ dẻo, kết là bún ngon ngay.
Đến nay thông tin bún có hóa chất tẩy trắng còn chưa có cơ sở, song người làm bún đã lao đao bởi thu nhập giảm dần. Nguy cơ trắng tay vì đầu tư tiền bạc, máy móc chưa thu hồi vốn. Tiếp tục duy trì kế sinh nhai hay chuyển việc khác, nhiều người lo lắng không biết sao đây? “Tôi mong rằng, ban ngày, ban đêm nào đó, các cơ quan chức năng cứ đột xuất đi kiểm tra các lò bún, lấy mẫu xét nghiệm nếu có chất gì ngoài gạo chúng tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn, để bảo đảm tính công bằng, minh bạch đối với người làm bún”, ông Phạm Dũng đề xuất. Mong sao ngành chức năng huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng vào cuộc làm rõ trắng đen việc sản xuất bún bằng máy ở Hòa Vang cho bà con được nhờ.
DUYÊN ANH