.

Nông dân đi học: Khó đủ đường

.

(ĐNĐT) - “Chúng tôi xưa nay chỉ biết trồng lúa, giờ bị thu hồi đất, thành phố đã đền bù nhưng nếu không có một nghề để làm thì tiền được đền bù sẽ tiêu hết. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn được học một nghề nào đó để có thể làm và sống ngay trên mảnh đất quê hương mình”, nông dân Nguyễn Trung đã tâm sự như vậy khi tham gia một lớp học giúp chuyển đổi ngành nghề dành cho nông dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Nông dân trong buổi học trồng hoa lý thuyết. Ảnh: Q. T
Nông dân trong buổi học lý thuyết về trồng hoa. Ảnh: Q. T

Học trồng hoa chuyên canh

Nông dân Nguyễn Trung buồn vì không có đất sản xuất là một chuyện nhưng với anh, về lâu dài phải có nghề ổn định lại là một bài toán khó khác. Bởi nông dân quanh năm bám ruộng đồng, giờ không còn đất sản xuất, tìm hướng đi mới đâu phải dễ. Cùng tâm trạng lo âu như anh Nguyễn Trung, ông Thy Lý Dược (xã Hòa Liên) cho biết, nông dân của xã hiện rất khó khăn để tìm một việc làm phù hợp, mọi người đều mong muốn làm nghề nào gắn với chăn nuôi, trồng trọt, bởi đó là nghề đã quen thuộc với nhà nông.

Hiểu được những trăn trở của nông dân khi bị mất đất nông nghiệp, UBND xã Hòa Liên đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Lương thực, thực phẩm Đà Nẵng mở lớp đào tạo nghề trồng hoa chuyên canh cho nông dân trên địa bàn, từng bước chuyển dịch từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất nông nghiệp phục vụ đô thị. Theo đó, ngoài những hộ nông dân mất đất sản xuất do giải tỏa để phục vụ công tác quy hoạch đô thị, đối tượng theo học còn là nông dân những gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ.

Những người nông dân chân chất, chỉ trồng trọt theo kinh nghiệm bản thân là chính, giờ lại "cắp vở" đi học từng ly từng tí các kỹ thuật trồng và chăm sóc nhiều loại hoa khác nhau. Trước đây, trên địa bàn xã Hòa Liên, đã có một số hộ trồng hoa (chủ yếu là hoa cúc) nhưng do thiếu kinh nghiệm cũng như chưa được đào tạo bài bản nên hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Vì vậy, khóa học do các giảng viên giàu kinh nghiệm truyền đạt đã trang bị cho nông dân kỹ thuật trồng các loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, cung cấp các loại hoa không chỉ dùng vào những ngày rằm, mồng một trong tháng mà cả loại hoa cao cấp sử dụng hằng ngày, góp phần giúp nông dân Hòa Liên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng làng trồng hoa chuyên canh của thành phố. “Cán bộ, giảng viên nhà trường đã đến xã Hòa Liên khảo sát tình hình thổ nhưỡng nhằm tư vấn cho người dân chọn loại hoa thích hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khảo sát, chúng tôi nhận thấy đất Hòa Liên phù hợp với hoa ly, đồng tiền, loa kèn. Do đó, trước mắt chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân trồng các loại hoa này”, cô Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực, thực phẩm Đà Nẵng cho biết.

Thực tế cho thấy, xã Hòa Liên nằm trong khu vực “giải tỏa trắng”, đất nông nghiệp bị thu hồi hoàn toàn nên hầu hết nông dân rơi vào tình trạng thất nghiệp, vì vậy, chuyển đổi sang trồng hoa là một trong những hướng đi phù hợp với thực tế đời sống của bà con nơi đây. Được biết, sau khóa học này, nông dân có nhu cầu vay vốn sẽ được thành phố hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như những hỗ trợ tối đa về kỹ thuật trồng trọt để bà con có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả.

Còn nhiều khó khăn

Chương trình đào tạo nghề cho nông dân lần này có thuận lợi là thành phố thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí nhưng quá trình thực hiện còn khá nhiều vướng mắc.

Về phía nông dân, họ rất khó đảm bảo được giờ đến lớp học do bận việc đồng áng, cày cuốc ở nhà, phương tiện đi lại khó khăn làm giảm đi phần nào nhiệt huyết được học nghề mới. Thêm vào đó, họ vẫn còn tâm lý lo sợ trồng hoa rồi sẽ bán cho ai, cho địa phương nào, có bán được không?… “Chúng tôi cũng nỗ lực đi học, nhưng mong chính quyền đảm bảo cho chúng tôi học xong được vay vốn làm ăn, hoa trồng ra có thị trường để bán”, ông Dược chia sẻ. Những mong muốn này là nguyện vọng chính đáng của nông dân nên chính quyền địa phương cần có biện pháp khuyến khích, động viên, giải tỏa tâm lý cho họ, để họ an tâm đến lớp. Hơn nữa, cần thiết phải tổ chức lớp học ngay tại nơi người dân cư trú để thuận tiện cho nông dân, tuy nhiên việc làm này đòi hỏi chính quyền phải tạo cơ sở vật chất tại địa bàn nên rất tốn kém, “đội” kinh phí thành phố cấp ban đầu lên rất nhiều. Khó khăn nữa là khả năng tiếp thu của nhiều nông dân còn hạn chế, giảng viên phải tích cực giảng dạy, phải “cầm tay chỉ việc” cho họ, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Bên cạnh đó, độ tuổi lao động nông nghiệp theo quy định cho nam là từ 18-60 tuổi, nữ từ 18-55 tuổi nhưng thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp 70 tuổi vẫn làm nông. Đối tượng trong độ tuổi lao động lại đi làm việc khác, không đam mê sản xuất nông nghiệp nên rất khó tuyển đủ học viên cho các lớp chuyển đổi ngành nghề nói trên. Đến khi đủ học viên, đủ điều kiện mở lớp thì một số học viên lại không đến học do khó khăn, trở ngại về nhiều mặt. Trước đây, thành phố cũng đã mở nhiều lớp học bổ sung kiến thức nuôi trồng cho nông dân nhưng không thành công. Rút kinh nghiệm từ những trường hợp đó, Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản TP Đà Nẵng phối hợp với Trường Cao đẳng Lương thực, thực phẩm thử nghiệm phương thức học mới là “nhân rộng niềm đam mê trong nông dân”, nghĩa là tập trung vào 5 - 10 đối tượng đam mê trồng hoa trong lớp, truyền đạt nhiệt huyết, kỹ thuật cho họ. Từ đó, họ truyền đam mê sang những nông dân khác, để lớp học không rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, khai giảng thì đông học viên, sau đó thưa dần rồi hết hẳn.

Ngoài ra, tuy thành phố có sự hỗ trợ cho học viên về ăn uống, đi lại nhưng kinh phí dành cho chương trình vẫn còn hạn hẹp, không bảo đảm cho các nhu cầu lớp học. “Đây là chương trình thuộc mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng, là một chương trình có ý nghĩa với nhà nông nên đơn vị chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp chính quyền”, ông Trần Chiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản TP Đà Nẵng tâm sự.

Hiện nay, thành phố đã quy hoạch làng trồng hoa chuyên canh Hòa Liên (dự kiến tổng diện tích quy hoạch cho vùng trồng hoa lên đến 10 ha). Đây là những loại rau, hoa được thị trường tiêu thụ mạnh nên nông dân sẽ yên tâm sản xuất. Và như vậy, việc chuyển đổi ngành nghề này phần nào đã đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, bởi họ được đào tạo để có một nghề ngay trên chính địa bàn mình sinh sống.

Quỳnh Trang

 

;
.
.
.
.
.