.

Nước giải khát vào mùa

.

Thời tiết đã vào hè, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện dày đặc các quảng cáo sản phẩm nước giải khát (NGK) của các nhà sản xuất. Vậy, đâu là sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng giữa cuộc đua tranh thị phần này.

Người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin để tránh những sản phẩm kém chất lượng.
Người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin để tránh những sản phẩm kém chất lượng.

Trăm nhãn hàng đua nở

Nắm bắt nhu cầu thị trường, các công ty chuyên đồ uống đã không bỏ qua cơ hội kinh doanh mùa nắng nóng. Theo khảo sát, trung bình mỗi hãng có từ vài đến vài chục nhãn hàng NGK khác nhau. Tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện có gần 20 sản phẩm gồm Trà Xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr. Thanh, nước ép trái cây từ me, mãng cầu, chanh dây, sữa đậu nành Soya, nước tăng lực Number One... Công ty CocaCola Việt Nam có Fanta, Joy, Sprite, sữa Nuti, nước suối Dasani, trà xanh Realelf… Công ty PepsiCo có 7up, Twister, Sting, trà Lipton Ice Tea, Revive…

Bên cạnh dòng sản phẩm nước ngọt có gaz, nước suối đóng chai cũng là một trong những mặt hàng phổ biến cho mọi nhà. Sản phẩm tên tuổi có Thạch Bích, Lavie, Aquafina; sản phẩm địa phương có Bình Vinh, BaNa, Q&T, T&T, BigC... với đủ mức giá. Không chỉ bày biện ở những vị trí bắt mắt nhất trong các cửa hàng, siêu thị, các hãng CocaCola, PepsiCo, Tân Hiệp Phát, Vinamilk còn đầu tư nhiều chương trình lớn cho các địa lý, quán ăn bằng hình thức tài trợ bảng hiệu, khay, ly, giá đỡ, áp-phích, thực đơn, tủ lạnh… Quan sát hàng loạt hàng quán sẽ thấy, hễ nơi nào có độc quyền tài trợ trang trí của hãng NGK này thì tuyệt nhiên không có hoặc ít sản phẩm của các hãng khác.

Anh Nguyễn Minh, đại lý bia, nước ngọt Ruby (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) cho hay: “Trời càng nắng nóng, sức tiêu thụ các loại đồ uống đóng chai tăng lên rất mạnh, gấp 5-7 lần ngày bình thường. Hầu như ngày nào cũng có nhân viên kinh doanh của nhãn hàng cam ép, trà xanh, nước có gaz, thức uống dinh dưỡng đi chào hàng”. Cuộc đua tranh thị phần diễn ra gay gắt bởi thị trường NGK đang nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Chính vì thế, đã xuất hiện một số tin đồn kiểu “hại nhau” như uống nhiều bò húc dễ bị mục xương hay trong nước coca có chất gây nghiện, uống trà xanh gây đầy bụng… Thực tế, sức mạnh của thương hiệu đã giúp các công ty đồ uống vững vàng trước sức ép cạnh tranh. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Vinamilk vẫn giữ được con số đáng tự hào. Năm 2012, Vinamilk đạt tổng doanh thu thuần 27.102 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2011. Lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt 5.819 tỷ đồng. Hệ thống phân phối lẻ tăng thêm 22.000 điểm so với cuối năm 2011 lên mức hơn 200.000 điểm trong cả nước. Quý 1-2013, tổng doanh thu của Vinamilk tiếp tục tăng trưởng 14%, gồm doanh thu nội địa tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2012.

Đừng để hoa mắt

Qua thống kê của Hiệp hội rượu bia và NGK Việt Nam, sức tăng trưởng của thị trường trên 20% năm, thuộc mức cao so với thế giới. Năm 2012, các doanh nghiệp đồ uống của Việt Nam đã cung ứng cho thị trường 4,2 tỷ lít các loại. Dự kiến năm 2013, sản lượng NGK các loại sẽ vượt mức 5 tỷ lít.

Những ngày này, khu trưng bày đồ uống của các siêu thị trên địa bàn thành phố luôn tấp nập khách hàng chọn mua sản phẩm. Chị Đỗ Thị Minh, nhân viên ngành hàng đồ uống Siêu thị LotteMart Đà Nẵng tư vấn: Gần đây, các khách hàng đến siêu thị thường chọn mua các loại nước có thành phần “tự nhiên”  như trà hay nước ép trái cây nhiều hơn vì trên bao bì thường ghi không chứa thành phần hóa học, không chứa chất bảo quản. Qua thăm dò, người tiêu dùng hiện nay thường chọn những sản phẩm có thương hiệu mạnh, quảng cáo nhiều trên ti-vi. Cơn lốc quảng cáo trên truyền hình cũng là một phần quyết định sự thu hút của khách hàng đối với sản phẩm.

Tuy nhiên, với hàng loạt sản phẩm đồ uống vừa bị cơ quan chức năng tiến hành thu giữ và tiêu hủy đã cảnh báo người tiêu dùng đừng quá hoa mắt với hàng trăm nhãn hàng đầy sắc màu. Có loại trà xanh vị chanh được quảng cáo 100% từ thiên nhiên, nhưng thực chất vị chua nhờ hương liệu tổng hợp. Đáng lo ngại hơn, nhiều loại nước ép trái cây màu sắc bắt mắt, nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép... có thành phần hương liệu công nghiệp, chất bảo quản, màu tổng hợp. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, khuyến cáo các đợt kiểm tra trên thị trường những năm qua đã phát hiện nhiều vụ như giả nhãn sữa Ensure, sữa đậu nành và đậu xanh Soya (của một công ty đóng tại KCN Hòa Cầm), có hành vi vi phạm kinh doanh thực phẩm bị biến chất và kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mới đây, chi cục đã tiêu hủy hàng chục chai nước cam quá hạn sử dụng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.