.

Sẽ thiết lập đường hàng không cao tốc tại Việt Nam

.

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố kế hoạch nghiên cứu thiết lập đường hàng không cao tốc. Đây là đường bay một chiều, áp dụng cho các chặng bay nội địa trên trục Bắc - Nam nhằm tăng năng lực khai thác và giảm ùn tắc trên không.

Đường hàng không cao tốc trên trục Bắc Nam sẽ tăng khả năng thông quan và khai thác bay
Đường hàng không cao tốc trên trục Bắc Nam sẽ tăng khả năng thông quan và khai thác bay

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Nhóm nghiên cứu đang triển khai công việc về đường bay cao tốc để trình Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến, cuối năm 2013 đầu năm 2014 sẽ trình Chính phủ phê duyệt”.

“Có thể hình dung giống như đường bộ, khi trên cùng một con đường khai thác 2 chiều với lượng phương tiện tham gia giao thông lớn thì sẽ có những xung đột và ùn ứ xảy ra, nhưng khi có làn đường đi và về riêng biệt, khai thác 1 thì sẽ khả năng khai tác sẽ cao hơn, an toàn hơn và hiệu quả giao thông tốt hơn.

Với hàng không cũng như vậy, hiện trên trục bay Bắc-Nam, việc khai thác với tần suất cao của các hãng dẫn tới sự ùn tắc xảy ra trên không nên cần thiết phải có đường bay cao tốc một chiều để tăng khả năng thông quan và khai thác bay. Phương án này loại bỏ được các điểm giao cắt theo chiều dọc, chiều ngang của các máy bay trên đường bay.” - ông Thắng phân tích.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho rằng khi tách thành hai luồng đi/về khác nhau, giảm việc điều chỉnh máy bay lên xuống tránh nhau trong quá trình bay sẽ tiết kiệm được thời gian bay và giảm chi phí khai thác cho các hãng. Nếu đề xuất này được Chính phủ phê duyệt thì sau 42 ngày Cục Hàng không Việt Nam sẽ công bố đường hàng không cao tốc với Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO).

Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện tối ưu hoá đường hàng không, phương thức bay diễn ra hôm qua (11/6), Cục Hàng không dự báo hoạt động hàng không dân dụng ở Việt Nam sẽ tăng trưởng 8% mỗi năm.

Ông Thắng nêu lên tình hình mạng đường bay, tần suất các chuyến bay của hàng không tăng đột biến trong những năm qua. Hiện tượng tắc nghẽn trên không sẽ xảy ra ở một số đường hàng không và một số vùng trời sân bay như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Nội Bài. Vì vậy, thời gian tới sẽ phối hợp với các nước để rút ngắn, điều chỉnh nhiều đường bay.

“Nếu như, những năm 1980, bầu trời Việt Nam chỉ có vài chục chuyến bay/ngày thì đến nay đã vượt 1250 chuyến/ngày và chỉ riêng trong năm 2012 đã có đến 457 227 chuyến bay.” - ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, việc điều chỉnh nhiều đường hàng không và xây dựng, bổ sung phương thức bay từ năm 2008 đến nay đã giảm được hàng chục ngàn giờ bay cho các hãng hàng không, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng. Chỉ riêng Vietnam Airline đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỉ đồng và 15.943 giờ bay. Đây là đóng góp không nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Được biết, trong 5 năm qua, có 39 đường bay quốc tế và nội địa được điều chỉnh theo cách chọn đường bay ngắn, bay thẳng và 29 đường bay được lập mới theo phương thức tối ưu hoá đường bay. Điều chỉnh thông số và chế độ hoạt động của 39 đường hàng không; xây dựng mới, sửa đổi 300 sơ đồ phương thức bay đi/đến, tiếp cận, bay chờ tại các sân bay.

Rõ ràng, việc thực hiện hành trình bay tối ưu sẽ đảm bảo an toàn và rút ngắn cự ly bay, tiết kiệm chi phí khai thác. Giảm thời gian bay, giảm tiêu thụ nhiên liệu cũng làm giảm một lượng lớn khí thải ra môi trường.

Cụ thể, qua điều chỉnh một số đường hàng không đã giảm được thời gian bay khá lớn như tuyến bay Hà Nội - Côn Minh giảm được 20 phút, khi điều chỉnh năm 2008 và năm 2009 mở thêm đường Meova - Nội Bài giúp các chuyến bay từ Hà Nội đi Côn Minh (Trung Quốc) giảm thêm được 10 phút; Tân Sơn Nhất - Phú Quốc giảm được 9 phút; rút ngắn 15-20 phút bay từ Hà Nội đến Siêm Riệp/ Phnôm Pênh; thiết lập ĐHK Cần Thơ - Côn Sơn rút ngắn 30 phút bay cho tuyến Cần Thơ và Côn Đảo; rút ngắn tuyến bay Hà Nội - Yangon (Mianma) từ 10-12 phút bay...

"Việc điều chỉnh đường hàng không để rút ngắn khoảng cách, thời gian bay được tiến hành theo nhiều cách như điều chỉnh đường bay theo đường thẳng, thiết lập đường bay một chiều song song, giảm xung đột tại các điểm giao cắt, điều chỉnh các khu vực kiểm soát, phương thức tiếp cận, cất hạ cánh tại sân bay... cùng với việc áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến". - ông Thắng cho biết thêm.

Theo Dantri

;
.
.
.
.
.