(ĐNĐT) - Hiện nay, thị trường đồ chơi trẻ em tại Đà Nẵng, hàng ngoại nhập chiếm tới 70% (trong đó hàng Trung Quốc chiếm 50%), hàng Việt khiêm tốn với 30% nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của những người “chuộng hàng nội”. Dù lời kêu gọi “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã được phát động từ lâu nhưng dường như thị trường đồ chơi trẻ em gắn mác "Made in Vietnam" vẫn đang bị “hoang hóa”.
Đồ chơi trẻ em do doanh nghiệp Việt sản xuất. |
Hàng ngoại áp đảo
Tại Nhà sách Fahasa Đà Nẵng, theo quan sát của chúng tôi, nhiều phụ huynh muốn mua đồ chơi sản xuất trong nước cho con nhưng không thuyết phục được các cháu. Trao đổi với chúng tôi, chị Khánh Đoan (quận Sơn Trà) nói: “Con trai tôi mới 4 tuổi nên tôi rất ngại mua đồ Trung Quốc cho con chơi vì nghe nhiều thông tin trên báo đài nói đồ chơi Trung Quốc độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Nhưng hàng Việt mình mẫu mã không đẹp, quanh đi quẩn lại chỉ là những đồ chơi làm từ gỗ nên cháu không thích. Cháu đòi mua những con robot kia”.
Cùng chung nhận định đó, anh Văn Tiến (quận Thanh Khê) suy tư chia sẻ: "Mặc dù đã cố gắng thuyết phục con gái mua những giỏ đồ hàng (hàng Việt) nhưng cháu bảo đã chán rồi và thích những con búp bê barbie mặc quần áo sặc sỡ kia thôi. Tôi rất bối rối vì ở nhà bố con đã thống nhất con thích gì mua nấy, giờ không mua, nó lại giận bố không giữ lời hứa”. Trong khi đó, chị Thùy Dung (quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi cũng nghe thông tin đồ chơi Trung Quốc có độc nhưng nó chỉ nguy hiểm với những em dưới 3 tuổi, chưa có ý thức nên hay ngậm đồ chơi vào miệng thôi. Con tôi 8 tuổi rồi và khi mua đồ chơi tôi đều dặn dò cách chơi sao cho an toàn. Đồ chơi Trung Quốc đẹp, phong phú, giá cả hợp lý, quan trọng là con tôi thích, vậy tại sao tôi lại từ chối?”.
Ông Đoàn Thành, nhân viên Nhà sách Fahasa, thừa nhận: “Nhà sách của chúng tôi có cả nghìn đồ chơi nhưng đến 80% là hàng ngoại nhập, trong đó hàng Trung Quốc chiếm 50%, còn lại là hàng Malaysia, Nhật Bản. Hàng Việt khá nghèo nàn, hai mặt hàng bán chạy nhất là đĩa bay Tosy và kính vạn hoa nhưng so với những đồ chơi ngoại thì doanh số còn thua xa”. Ông Thành chia sẻ thêm, sở dĩ hàng Việt yếu thế ngay trên sân nhà là do hạn chế về mẫu mã, bao nhiêu năm vẫn chỉ là những bộ đồ hàng bằng nhựa, những quả banh nhựa, hay những con diều, thú nhồi bông, trong khi đó, hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc, màu sắc bắt mắt, mẫu mã thay đổi liên tục, cập nhật kịp thời theo các bộ phim hoạt hình đang được trẻ em yêu thích nên bán chạy là đương nhiên.
Đến các quầy hàng bán đồ chơi trẻ em tại chợ Cồn, chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Bà Ngô Thị Ngọc Liên, chủ ki-ốt 24 cho biết: “Những mặt hàng đồ chơi ở quầy tôi cũng như những quầy trong chợ này đến 90% là hàng Trung Quốc. Không phải chúng tôi không muốn bán hàng Việt mà đơn giản đồ chơi Việt có quá ít mặt hàng. Trẻ em bây giờ rất thích các mặt hàng như rôbốt, siêu nhân, trang phục của siêu nhân, ô tô điện... nhưng Việt Nam chưa sản xuất được những mặt hàng này”.
Đồ chơi Trung Quốc rất hiện đại và bắt kịp xu hướng. |
Bao giờ hàng Việt thôi "lép vế"?
Theo Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố, mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm trên 70%. Đây là số liệu dựa trên những mặt hàng có dán tem CR (tem hợp quy), còn hàng đồ chơi Trung Quốc nhập lậu thật sự rất khó kiểm soát.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở Đà Nẵng, chỉ có 1 doanh nghiệp FDI sản xuất đồ chơi trẻ em để xuất khẩu. Các sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và một số ít ở phía Bắc. Tình trạng này tồn tại từ bao nhiêu năm qua nhưng vẫn không cải thiện được. Có thể các doanh nghiệp không quan tâm đến thị trường này, đến khi hàng Trung Quốc vào ào ạt thì “thả” luôn, chấp nhận thua trên sân nhà. Hơn nữa, giá thành cạnh tranh cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp trong nước đau đầu. Những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất luôn có giá thành rẻ hơn. Tâm lý người tiêu dùng luôn chuộng hàng rẻ khiến doanh nghiệp trong nước thêm phần khó khăn.
Còn với người kinh doanh, họ vẫn đặt lợi nhuận lên trên hết mà không quan tâm những cảnh báo độc hại từ đồ chơi Trung Quốc. Bà Phan Thị Ngọc Nguyệt, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại số 233 Lê Duẩn, phân trần: “Thực sự, chúng tôi muốn bán hàng Việt Nam cũng không có mà bán, mẫu mã quá ít, sản phẩm chưa thu hút trong khi giá nhập vào lại cao hơn hàng Trung Quốc cùng loại. Thêm nữa, hàng Trung Quốc cũng có dăm bảy loại, tôi chỉ bán những hàng có dán tem kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, với tình trạng tem giả tràn lan trên thị trường thì cả người bán và người mua thực sự rất khó để kiểm định hàng có chất lượng”.
Với những khó khăn trên, để các sản phẩm đồ chơi Việt dần lấy lại thị trường, đủ sức cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc, cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất đồ chơi trẻ em. Có như vậy, thị trường đồ chơi mới đem lại những sản phẩm đạt chuẩn, an toàn, góp phần phát triển trí tuệ của những thế hệ tương lai. Tuy nhiên, chặng đường xây dựng thương hiệu và tìm thị trường cho đồ chơi gắn mác "Made in Vietnam" chắc chắn còn gập gềnh và hẳn nhiên, doanh nghiệp Việt sẽ mất nhiều năm nỗ lực mới nhận về đoạn kết có hậu.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang