.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Đầu tư mạnh cho kinh tế biển

.

Đó là dấu ấn nổi bật của cảng biển ở Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây. Nếu như vào đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, Cảng Đà Nẵng chưa dám mơ đến việc đón các loại tàu tải trọng vài chục nghìn tấn, thì nay liên tục tiếp nhận tàu 40 nghìn tấn vào neo đậu nhận trả hàng.

Chỉ trong vòng 10 năm, cảng đã có bước tiến vượt bậc về hạ tầng và trang thiết bị máy móc theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa. Vốn đầu tư 248 tỷ đồng, kè chắn sóng dài 430 mét án ngự trước cửa biển là công trình lớn của cảng trong tiến trình hiện đại hóa, tạo không gian yên bình cho Cảng Tiên Sa phía trong. Không như trước đây, mùa mưa bão cảng vắng tàu bè, nay có kè chắn sóng, có cầu đậu tàu dài 225 mét kết cấu vĩnh cửu, quanh năm tàu bè tấp nập vào ra. Cùng với chức năng trung chuyển hàng hóa, Cảng Tiên Sa còn là cảng du lịch lớn của cả nước, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt du khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường biển.

Đóng mới tàu cá công suất lớn, trong đó có một phần kinh phí từ sự hỗ trợ của ngân sách thành phố.
Đóng mới tàu cá công suất lớn, trong đó có một phần kinh phí từ sự hỗ trợ của ngân sách thành phố.

Từ 10 năm trước, nhận thấy vận chuyển hàng hóa bằng container là xu thế tất yếu của vận tải biển, Cảng Đà Nẵng đã ưu tiên đầu tư lắp đặt trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bốc dỡ rất hiện đại. 10 năm qua, ít nhất hơn 100 tỷ đồng đã đầu tư lắp đặt các loại cẩu chuyên dùng. Ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết: Hiện tại hàng hóa bốc xếp bằng cơ giới và tự động hóa chiếm hơn 70%. Mức tăng trưởng hàng hóa qua cảng hằng năm đạt trên 20%. Nếu như năm 2003 lượng hàng hóa qua cảng là 2,1 triệu tấn, thì năm 2013, con số đó đã là 4,8 triệu tấn. Về vận chuyển container, năm 2013 có 165.000 TEUs qua cảng, gấp 7 lần so với 10 năm trước. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu cảng tăng 13,9%, lợi nhuận tăng 84% so cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động của cảng đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chỉ tính riêng việc thu ngân sách từ các lĩnh vực liên quan đến cảng biển đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm; thường xuyên tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Nói về định hướng phát triển Cảng Đà Nẵng thời gian tới, ông Nguyễn Thu cho biết thêm: trước xu thế hội nhập với thế giới hiện nay, cảng biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hoạt động và tăng trưởng của cảng luôn là hàn thử biểu của nền kinh tế địa phương. Chiến lược Biển Việt Nam đã  xác định, đến năm 2020, nước ta là quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trong tổng thu nhập quốc dân có 55% GDP từ kinh tế biển. Và như vậy, phát huy lợi thế là điểm khởi đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây, đô thị lớn nhất miền Trung, Cảng Đà Nẵng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng thành cảng container lớn của cả nước. Trước mắt, sẽ xây mới một cầu đậu tàu dài 400-500m, độ sâu 13-15m, đủ khả năng đón tàu tải trọng 50 nghìn tấn, tiếp tục đổi mới nâng cấp máy móc trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa và tự động hóa trong khâu bốc xếp khoảng 90%.

Tàu cá lớn nhiều hơn

Thực ra, 10 năm trước, tàu cá của Đà Nẵng nhiều hơn hiện nay về số lượng, có thời điểm vượt con số 2.000 chiếc, song toàn loại công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Vào đầu những năm 2000, toàn thành phố chỉ có 56 chiếc đủ sức vươn khơi ra đời từ Chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ. Khi đó, sản lượng hải sản lớn hơn hiện nay, song do đánh bắt bằng giã cào là chủ yếu, sản phẩm không mấy giá trị, tỷ trọng ngành thủy sản thấp hơn hiện nay khá nhiều.

Vào thời điểm đó, ngư dân Nguyễn Thân ở tổ 28, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) vừa từ bỏ việc làm công trên tàu, mạnh dạn đầu tư mua tàu cho riêng mình. Dồn hết vốn liếng tích lũy nhiều năm, vay mượn khắp nơi, chàng thanh niên quê Quảng Ngãi này cũng mua được chiếc tàu cũ loại 45 CV, hành nghề giã cào. Thế mà nay, ông Thân là thuyền trưởng kỳ cựu, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 360 CV đến 820 CV mỗi chiếc. Nói về thời đã qua, ông Thân nhớ lại: hồi làm công trên tàu, mỗi khi ra biển, quả “hồn treo cột buồm” như dân gian vẫn nói. Giữa biển cả bao la, tàu công suất nhỏ, không có máy móc thiết bị gì ngoài chiếc radio, sống chết phó mặc cho số phận. Có lần gặp bão, suýt chết. Khi có tàu riêng, đánh bắt theo kiểu may nhờ rủi chịu, chuyến trúng chuyến lỗ. Chuyến nào đưa về dăm ba tấn cá lãi vài chục triệu đồng, ai nấy mừng vui hết cỡ. Còn nay, tàu công suất lớn, máy móc thiết bị hiện đại, đi đến đâu cũng có Bộ đội Biên phòng dõi theo động viên, hướng dẫn, nên rất yên tâm. Bão gió không còn là nỗi lo lắng của ngư dân. Đánh bắt bằng nghề lưới vây có sự hỗ trợ của máy tầm ngư, ít khi bị lỗ. Chuyến biển nửa tháng đưa về 20-25 tấn, trừ chi phí lãi 400-500 triệu đồng là thường.

Có thể nói, hoạt động đánh bắt hải sản ở Đà Nẵng đã có sự đột phá cả về chất và lượng trong mấy năm gần đây. Đặc biệt, sau khi chính sách hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn với mức 500-800 triệu đồng/chiếc của thành phố đi vào đời sống, tàu công suất lớn đua nhau ra đời. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, số tàu công suất nhỏ giảm 320 chiếc, trong khi tàu công suất lớn tăng 59 chiếc (trong đó 2 chiếc công suất trên dưới 1.000 CV, lớn nhất khu vực miền Trung),  nâng tổng đội tàu đánh bắt xa bờ lên 211 chiếc. 6 tháng đầu năm nay, ngư dân đưa từ biển về 23 nghìn tấn hải sản, tăng 4,2% so cùng kỳ năm ngoái, giá trị sản xuất đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Không còn hoạt động đơn lẻ như trước, 97 tổ đội đánh bắt hải sản biển đã ra đời từ nhiều năm nay. Mới đây, 2 nghiệp đoàn nghề cá được thành lập, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khai thác hải sản biển ở Đà Nẵng. Cùng theo đó, hệ thống hậu cần nghề cá không ngừng xây mới, nâng cấp ngày càng quy mô hiện đại... là nền tảng vững chắc cho nghề cá Đà Nẵng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.