.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Kinh tế Đà Nẵng: Chuyển dịch cơ cấu và phát triển bền vững

.

Được xác định là đô thị loại 1 đối với Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa đáp ứng các tiêu chí phân loại, mà còn là sứ mệnh như là tâm điểm có sức lan tỏa và ảnh hưởng vùng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố đã điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương qua từng giai đoạn, với những bước đi phù hợp xu thế chung của cả nước và  hướng phát triển của các nền kinh tế hiện đại.

Kinh tế du lịch là mũi nhọn trong ngành dịch vụ của thành phố.
Kinh tế du lịch là mũi nhọn trong ngành dịch vụ của thành phố.

Một trong những hướng đi đột phá thời kỳ đầu để đẩy mạnh công nghiệp hóa mà Đà Nẵng đã lựa chọn, là ưu tiên phát triển công nghiệp.  Trong 3 năm 2003-2005, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GDP và cơ cấu lao động của thành phố đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục gần 26%/năm. Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cùng với việc ban hành  các chính sách ưu đãi đầu tư đã mang lại cơ hội để công nghiệp Đà Nẵng tăng tốc, đưa nền kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng gần 16%/năm.

Trên hành trình tìm đến sự phát triển kinh tế bền vững, ngay trong những năm tiếp theo đó, các nhà hoạch định chính sách đã lựa chọn mô hình phát triển của  một thành phố có môi trường thân thiện và hiện đại,  đưa Đà Nẵng phát triển theo một hướng đi mới, lấy ngành dịch vụ làm chủ đạo. Giai đoạn 2006-2013 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của ngành dịch vụ với tốc độ tăng bình quân gần 20%/năm, cao hơn gấp hai lần so với giai đoạn 1997-2005. Ngành dịch vụ đang có sự thay đổi khác biệt đáng kể,  không chỉ đóng góp cao nhất trong cơ cấu GDP mà còn tạo sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ ra khỏi ngành nông nghiệp. Giai đoạn này, lượng vốn đầu tư bắt đầu chảy vào ngành dịch vụ cao hơn so với các ngành còn lại, với tỷ trọng 70% tổng lượng vốn đầu tư. Sự chuyển dịch trong nội bộ ngành thương mại, vận tải, thông tin liên lạc, khách sạn, tài chính... đang tạo ra giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ, làm tăng  tỷ trọng đóng góp của ngành trong cơ cấu GDP thành phố.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đà Nẵng 10 năm qua được các chuyên gia kinh tế đánh giá như một quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh ở khu vực dịch vụ với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 16%/năm. Kết quả này nhờ việc tập trung chuyển dịch sâu trong nội bộ ngành dịch vụ, trong đó lựa chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng lượng khách du lịch đến thành phố giai đoạn 2003-2013 ước đạt 16 triệu lượt khách, tăng 19,3%/năm; doanh thu du lịch thuần túy ước tăng 23,5%/năm với giá trị năm 2013 ước đạt 2.800 tỷ đồng. Sáng kiến hình thành chuỗi hợp tác Vùng Duyên hải miền Trung để phát triển không gian du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế vùng, lấy Đà Nẵng làm trung tâm đang được các địa phương bắt tay thực hiện. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch được chú trọng, tập trung các khu vực có tiềm năng và lợi thế như: Bán đảo Sơn Trà, tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Hải Vân - Nam Ô, Bà Nà - Suối Mơ... góp phần thu hút 60 dự án đầu tư vào du lịch có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.  Đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển khu vực dịch vụ, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến khẳng định quan điểm: “Phát triển khu vực dịch vụ nhanh và bền vững là ưu tiên tập trung trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế thành phố”.

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu  thành phần kinh tế của thành phố  cho thấy có sự chuyển biến rõ giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế Nhà nước giảm nhanh và chỉ còn tỷ lệ rất nhỏ. Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đến nay, thành phố có 257 dự án có vốn đầu tư nước ngoài cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 3,64 tỷ USD và  gần  13.500 doanh nghiệp dân doanh có tổng vốn đăng ký 67 tỷ đồng.

Kiên định với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển đô thị hiện đại, Đà Nẵng đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”, để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của cả nước, là cửa ngõ giao thương với nước ngoài, có các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

Đà Nẵng dẫu chưa tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế nhưng  có một điều chắc chắn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã và đang thực hiện được, là tạo ra một môi trường sống văn minh và nhân văn, môi trường đầu tư hấp dẫn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố và thu hút các nguồn lực. Theo đó, kinh tế Đà Nẵng được ghi nhận  luôn có tốc độ tăng trưởng hợp lý và có đủ tiềm lực phát triển bền vững theo cơ cấu chuyển dịch sát với thực tế, nhằm  phát huy tối đa nội lực và huy động các nguồn lực từ bên ngoài.

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP) giai đoạn 2003-2013 ước tăng 12,5%/năm, với giá trị năm 2013 ước đạt 15.681,4 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2003; GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 55,98 triệu đồng (2.650 USD), gấp 5,4 lần năm 2003 và bằng 1,6 lần cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, phù hợp mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TW, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 48% năm 2003 lên 53,5% ước năm 2013, công nghiệp - xây dựng giảm từ 45,6% xuống 43,8% và nông nghiệp giảm từ 6,4% xuống 2,7%.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.