.

Chốt phương án tổ chức nút giao thông phía Tây cầu Rồng

.

(ĐNĐT) - Ngày 16-7, Sở Giao thông vận tải đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để chọn phương án tổ chức nút giao thông phía Tây cầu Rồng và nút giao thông ngã ba Huế. Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chủ trì cuộc họp.

Đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng gồm các nhánh: Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương, 2-9, cầu Rồng, Bạch Đằng và Trần Phú, vào giờ cao điểm, lưu lượng người và xe qua lại rất lớn và thường xuyên xảy ra ách tắc.

Hiện phương án điều khiển giao thông tại đây là phương án tự điều chỉnh. Kích thước hình học hiện tại tạo thành các điểm giao cắt trong nút, dễ gây ùn tắc và khó khăn cho phương tiện giao thông di chuyển tại đây. Vì vậy, tình hình lưu thông tại nút giao thông này khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Từ thực tế trên, Sở Giao thông vận tải đã tổng hợp và đưa ra 3 phương án tổ chức. Điểm chung của 3 phương án này là đều dỡ bỏ đảo elíp tại trung tâm nút hiện nay.

Sơ đồ dự kiến của phương án tổ chức giao thông tại nút phía Tây Cầu Rồng.
Sơ đồ dự kiến của phương án tổ chức giao thông tại nút phía Tây cầu Rồng.

Sau khi tham khảo các ý kiến, Chủ tịch Văn hữu Chiến kết luận chọn phương án 2 là phương án do Công ty CP tư vấn Giao thông 5 thiết kế. Theo phương án này, nút giao thông hiện nay sẽ được tách cụm nút thành 2 nút ngã tư.

Ngã tư thứ nhất gồm các nhánh: Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Trưng Nữ Vương. Tại đây sẽ bố trí 4 đèn tín hiệu, tổ chức giao thông 2 pha như sau: Pha 1 - Nguyễn Văn Linh; pha 2 -Trần Phú, Trưng Nữ Vương.

Ngã tư thứ hai gồm các nhánh: Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, 2-9, Bạch Đằng. Ở ngã tư này sẽ bố trí 3 đèn tín hiệu, tổ chức giao thông 2 pha như sau: Pha 1: Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng; pha 2: 2-9.

So với điều khiển từng nút riêng biệt thì việc tổ chức giao thông phối hợp tại nút này có các ưu điểm sau: Nâng tốc độ xe chạy và giảm số chỗ để dừng xe. Xe chạy trên đường nhịp nhàng, đều đặn, làm tăng khả năng thông hành của nút. Tốc độ xe chạy trên đường tương đối đồng đều, không cho phép xe chạy tốc độ quá cao, buộc xe tốc độ nhỏ phải tăng tốc để kịp đến nút giao khi có đèn xanh, nhằm tránh dừng xe khi đèn đỏ. Điều khiển phối hợp tạo khả năng giảm tai nạn giao thông vì đi đến ngã tư, xe gặp ngay đèn xanh để vượt qua nên không xảy ra tình huống xe sau đâm vào xe trước. Ngoài ra, còn làm cho người tham gia giao thông tuân thủ hơn các quy tắc an toàn giao thông trên đường.

Cũng tại cuộc họp này, các đơn vị đã xem xét và lấy ý kiến về phương án tổ chức giao thông tại nút giao thông ngã ba Huế, nhằm đảm bảo giao thông trong quá trình thi công công trình.

Nút giao thông ngã ba Huế nằm ở phía Tây-Bắc thành phố Đà Nẵng, là ngã ba giao cắt giữa QL1A với đường Điện Biên Phủ (đường trục chính đi vào trung tâm thành phố Đà Nẵng) và tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh. Đây là nút giao thông có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều, thành phần dòng xe phức tạp. Việc giao nhau giữa nhiều tuyến đường giao thông khiến khu vực này dễ bị ùn tắc, đặc biệt tại các giờ cao điểm và lúc các chuyến tàu Bắc Nam chạy qua.

Vì vậy, sau khi xem xét các phương án, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chỉ đạo cho Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý công trình và các lực lượng liên quan phải kiểm tra lại thật kỹ, với sự thống nhất cao của Khu QLĐB 5 (đối với phạm vi tuyến qua QL1A), ngành đường sắt và nhà thầu nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và giảm tai nạn giao thông.

Tin và ảnh : Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.