.

Đầu tư Nhật Bản tại Đà Nẵng: Hiệu quả và triển vọng

.

Tính đến tháng 6-2013, Đà Nẵng có 90 doanh nghiệp (DN) và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40.000 lao động. Kết quả này khẳng định hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư có trọng điểm của thành phố Đà Nẵng đối với thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng và cơ hội  nhưng tính cạnh tranh rất cao.

Các đối tác Nhật Bản (Honda, Toyota...) đến tham quan Nhà máy Việt Nam Tokai sản xuất linh kiện ô-tô tại  Khu Công nghiệp Hòa Cầm.
Các đối tác Nhật Bản (Honda, Toyota...) đến tham quan Nhà máy Việt Nam Tokai sản xuất linh kiện ô-tô tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm.

Hướng đi đúng

Tại các diễn đàn xúc tiến đầu tư nước ngoài gần đây, các địa phương khu vực miền Trung đặt nhiều câu hỏi chung quanh vấn đề: Giải pháp nào giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến và dừng chân khá ấn tượng của các nhà đầu tư Nhật Bản ở khu vực này? Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, Nhật Bản đang đứng vị trí số một về số lượng dự án. Câu trả lời đầu tiên của các chuyên gia xúc tiến đầu tư tại thành phố Đà Nẵng chính là sự nhận định đúng thị trường đầu tư chiến lược và vận dụng nhanh nhạy chủ trương ngoại giao phục vụ kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, qua đó thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) thành phố Đà Nẵng tại Tokyo vào cuối năm 2004. Đến nay, Đà Nẵng là địa phương duy nhất của cả nước có VPĐD tại  nền kinh tế thứ 3 thế giới này.

Sự khởi đầu làm ăn với người Nhật của Đà Nẵng đã được chính ông Teruyoshi Kubota, một cựu chính khách Bộ Ngoại giao Nhật, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản lúc bấy giờ trực tiếp giúp đỡ thành lập VPĐD và làm cầu nối những thông điệp kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và Đà Nẵng (Việt Nam).

Theo ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó VPĐD, việc Đà Nẵng xác định Nhật Bản là thị trường xúc tiến đầu tư trọng điểm đã định hướng cho địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, mà trước hết là đội ngũ thông dịch viên tiếng Nhật. Không biết tiếng Nhật thì không thể làm ăn với người Nhật, đây là yêu cầu đầu tiên và Đà Nẵng đã đáp ứng được. Đến nay, thành phố đã có 4 trung tâm đào tạo tiếng Nhật chuyên nghiệp với hàng trăm sinh viên ngành cử nhân tiếng Nhật đã tốt nghiệp và đang theo học.  

Hiệu quả xúc tiến

Chính sự thành công của doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng trong thời gian qua đã tạo sức lan tỏa, tác động đến sự chú ý của nhà đầu tư tiềm năng đối với Đà Nẵng. Trong 2 năm gần đây, số dự án đầu tư của Nhật Bản tại Đà Nẵng tăng đáng kể, riêng năm 2012 có 11 dự án trên tổng số 33 dự án cấp mới. Ngoài ra, trong số dự án mở rộng quy mô, tăng vốn trong năm 2012, số dự án của Nhật Bản cũng chiếm một nửa. Mới đây nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Niwa Foundry Co., Ltd. của Nhật Bản đầu tư sản xuất vật liệu đúc dùng trong các bộ phận thủy lực, các bộ phận có độ chính xác cao với tổng vốn đầu tư 21,87 triệu USD. Đây là dự án thứ hai của Nhật Bản vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Trước đó, Công ty Tokyo Keiki được cấp phép đầu tư 40 triệu USD sản xuất các loại van chuyển mạch điện từ và bơm cánh quạt áp lực cao. Trong số 178 doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thuế năm 2012 vừa được Cục Thuế  thành phố tuyên dương, đa số là tập thể và nhân viên của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng. Điều này minh chứng tính hiệu quả và cạnh tranh cao của môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.

VPĐD thành phố Đà Nẵng tại Tokyo nhận định, so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số dự án đầu tư tại Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 1/10. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức tiếp đón trên 100 đoàn Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hoạt động tích cực của VPĐD đã đưa nhiều dự án mới vào các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong năm nay. Triển vọng có thêm nhiều dự án đầu tư Nhật Bản tại Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ cao đang rộng mở, nếu Đà Nẵng tiếp tục phát huy kinh nghiệm xúc tiến đầu tư và nhanh chóng đào tạo đội ngũ kỹ thuật biết tiếng Nhật.

Nhanh chóng tiếp cận nhà đầu tư

PGS,TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng duyên hải miền Trung đừng quá tự tin nghĩ rằng mình nằm trong số ít những “cô gái đẹp”, trong khi cả thế giới đang chủ động đổ vào Nhật Bản, tranh thủ tìm kiếm cơ hội lôi kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ và điện tử. Chân dung và khát vọng của miền Trung là gì thì phải tự giới thiệu, trao đổi để nhà đầu tư biết”. Cùng quan điểm này, GS Trần Văn Thọ cho biết, sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong ngành công nghiệp chính là nhờ sự nhanh chóng tiếp cận nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu những năm 80 thế kỷ trước. Vì vậy, trong xúc tiến đầu tư là phải PR, phải chủ động mời gọi, đừng làm việc theo kiểu quản lý Nhà nước.

Sự năng động của lãnh đạo thành phố và VPĐD trong việc  tổ chức đón tiếp, cung cấp đầy đủ các dự án cơ hội tại địa chỉ www.japan-danang.org  đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu bước đầu của nhà đầu tư.  Đà Nẵng đã và đang đến với nhà đầu tư Nhật Bản bằng hình ảnh năng động và những cam kết cụ thể, chính sách rõ ràng.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.