.

Giảm lãi suất cho vay về 10%: Doanh nghiệp nói gì?

.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) phá sản, tạm dừng hoạt động. Đây là con số tương đối lớn so với khoảng trên 12.000 DN đang sản xuất, kinh doanh.

Các DN mong lãi suất hạ thấp hơn nữa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (ảnh mang tính minh họa).
Các DN mong lãi suất hạ thấp hơn nữa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (ảnh mang tính minh họa).

Điểm đáng quan tâm hiện nay là nghịch lý trong quan hệ cung cầu giữa NH và DN. Có DN muốn vay nhưng tài sản thế chấp không còn, hoặc hệ số tín nhiệm thấp nên không thể vay vốn được. Trong khi đó, đối với DN sản xuất, kinh doanh tốt, có hệ số tín nhiệm cao thì NH nhiệt tình chào mời nhưng DN lại không có nhu cầu vay vốn vì nhiều lý do… Nếu “nút thắt” này được tháo gỡ thì khả năng hấp thụ vốn của DN sẽ tăng lên, kéo theo đó là chỉ tiêu tín dụng 12% trong năm 2013 khả quan hơn.

Theo ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt: Hơn một năm qua, các NH đã liên tục giảm lãi suất, phần nào đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khiến NH khó cho vay và DN không dám vay. Khó khăn nhất hiện nay của các DN vẫn nằm ở sự ì ạch của sức mua thị trường chứ không phải là lãi suất NH ở mức bao nhiêu. Cũng theo ông Toàn, hầu hết các NH đều ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, cho DN có dự án khả thi. Nhưng với tình hình hiện tại, chỉ có những DN tốt và khỏe mới có khả năng hấp thụ được vốn của NH. Còn đối với DN làm ăn thua lỗ thì lãi suất có 0% vẫn cao, DN không thể vay nổi và vay rồi lấy gì mà trả. Và tất nhiên, NH cũng phải rất thận trọng vì DN thua lỗ, trên bờ phá sản, không có khả năng hồi phục thì cho vay chỉ khiến cả DN và NH cùng “chết”. Vì thế, nghịch lý NH thừa tiền, muốn đẩy mạnh tăng trưởng, nhưng DN vẫn khát vốn vẫn là căn bệnh chưa thể tháo gỡ trong lúc này.

Đến cuối  tháng  6-2013, dư nợ tín dụng cho vay chủ yếu tăng trưởng ở tư nhân, còn DN vẫn ì ạch với mức tăng rất thấp 1,24%... Theo Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và chuyển giao công nghệ K&H Nguyễn Trọng Khải: Trong bối cảnh này, Nhà nước cần kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các DN trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì lãi suất... Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thật sự khi DN với tay đến được đồng vốn lãi suất thấp, đồng thời những DN có hàng tồn kho cao như xi-măng, gạch ngói, sắt thép, dệt vải… giải quyết được đầu ra cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Lý cho rằng, để DN tiếp cận được vốn vay, NH nên điều chỉnh nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng một cách hợp lý, đồng thời, cùng nhau chia sẻ khó khăn với DN trong tình hình kinh tế đang còn nhiều khúc mắc như hiện nay.

Trong lúc đó, Giám đốc NH Đông Á, CN Đà Nẵng Trần Trọng Vinh lại nêu thực tế: Sau khi thực hiện yêu cầu của Thống đốc NHNN về việc đưa các khoản vay cũ của DN về mốc 15% thì NH của ông gặp khó khăn với Kiểm toán Nhà nước về một số món vay, trong đó có yêu cầu thu hồi lại lãi vay đã giảm cho  DN... Chính vì vậy, ông đề nghị nên có sự thống nhất giữa các cơ quan với nhau, không nên để nảy sinh những trường hợp tương tự.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.