.

Nhập nhằng xuất xứ trái cây

.

Vỉa hè các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tri Phương, Lê Duẩn…, nơi tập trung “đội quân” bán trái cây “ba không” (không cố định, không nguồn gốc, không nhãn mác) hoạt động khá tấp nập hằng ngày. Điều đáng nói, những loại trái cây có xuất xứ của Trung Quốc nhưng vẫn luôn được đánh bóng bằng tên tuổi của vựa trái cây trong nước.

Người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn trái cây.
Người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn trái cây.

Rộ “siêu thị trái cây” Việt

Trên đoạn đường dài chưa đến 4km, từ Ngã ba Huế đến ngã tư Ngô Văn Sở - Ngô Thì Nhậm, chúng tôi đếm thử đã có tới gần 10 cửa hàng chuyên doanh treo biển hiệu “siêu thị trái cây”, “vựa trái cây”, “đại lý trái cây”. Lựa chọn trong hàng chục sọt trái cây được gắn thương hiệu “đặc sản miền Tây” chính gốc như lời chị chủ siêu thị trên đường Tôn Đức Thắng giới thiệu, chỉ thấy chôm chôm, sầu riêng, bưởi là tạm yên tâm về chỉ dẫn xuất xứ. Còn lại các loại khác như nho, táo, nhãn, đào, người bán một mực khăng khăng nhập về từ Đà Lạt, Ninh Thuận, Sa Pa, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang… Thấy tôi cầm mấy quả đào lông săm soi ra vẻ ưng ý nhưng sợ hàng Trung Quốc, chị bán hàng trấn an: “Em yên tâm, đây là hàng chị lấy mối ở các tỉnh phía Bắc chứ không phải Trung Quốc đâu mà sợ. Trái cây của chị do người buôn có uy tín đổ cho, tuy đắt hơn chút xíu nhưng tươi ngon hơn ở chợ là cái chắc”. Sau khi thấy tôi vặn vẹo “Đào ở phía Bắc là ở tỉnh nào hả chị?” thì người bán tỏ ra khó chịu: “Chỉ nghe nói ở phía Bắc chứ cụ thể thì không biết tỉnh mô!”.

Qua vựa trái cây T.V (đoạn gần đường Nguyễn Như Hạnh), chúng tôi đếm được trên khoảng chục loại trái cây nhưng rất khó xác định xuất xứ, bởi trên sản phẩm không hề có nhãn mác nào chứng minh nguồn gốc. Cùng một loại nhãn, đào nhưng trong các “siêu thị trái cây”, chúng được người bán tự đặt cho vùng trồng. Loại nhãn quả tròn to ở chợ thì được gọi là nhãn Sài Gòn, nhưng người buôn bằng xe đẩy thì nói nhãn Hải Dương, Hưng Yên. Đáng lưu ý, loại nho đỏ trái to xuất hiện trong các quầy sạp bán lẻ tại các chợ và trên đường được người có kinh nghiệm nhận diện là nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng đã bị đánh đồng thành nho Mỹ chỉ có giá 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu là nho Mỹ thì giá phải là 140.000-150.000 đồng/kg. Tương tự, loại nhãn hạt tí hon của Hưng Yên phải có giá 45.000-50.000 đồng/kg chứ không phải 35.000 đồng/kg như giải thích của các chủ quầy trái cây.

Chẳng biết đâu hàng nội - ngoại

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường Đà Nẵng thời gian gần đây, nhất là thời điểm trái cây trong nước vào mùa, cũng là lúc hàng Trung Quốc thâm nhập “loạn” với giá rất cạnh tranh. Ngay cả người bán nhỏ lẻ cũng không biết rõ đó là hàng trong nước hay hàng Trung Quốc vì chỉ lấy lại các đại lý lớn. Chị Thanh (quê Mỹ Đức, Hà Nội) bán dạo trái cây trước cổng Công viên 29-3 có lần tiết lộ những sọt trái cây như cam, đào, lê, mận chị bán đều lấy từ phía Bắc (có cả hàng Trung Quốc) nhưng khi ra bán lẻ những người như chị đều trưng bảng “cam Vĩnh Long”, “đào Sa Pa” để mong bán được hàng.

Chúng tôi được mách mối đến gặp bà Hường, hộ kinh doanh trái cây ở chợ Đầu mối Hòa Cường, để giúp phân biệt đâu là hàng nội, hàng ngoại. Bà Hường cho biết, thông thường, các loại trái cây của Việt Nam không có màu sắc bắt mắt, vỏ láng đẹp như hàng nhập khẩu. Lý do là trái cây nhập từ các quốc gia khác do vận chuyển đi xa nên người ta hay sử dụng chất bảo quản giữ vẻ tươi lâu nên trông rất sáng bóng. Tuy nhiên, cũng có những loại tương đồng như thanh long, măng cụt, cam, dưa của Trung Quốc cũng gần giống với của ta. Một số người buôn lâu năm cũng rất khó để biết được nguồn gốc trừ khi người buôn tận tay đi thu mua và có giấy tờ kèm theo. Nếu cứ mua dọc đường của người bán dạo thì nguy cơ hàng Trung Quốc chiếm phần lớn vì giá rẻ đáng kể so với trái cây của Việt Nam.

Đem nỗi lo ngại của người tiêu dùng hỏi đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, chúng tôi nhận được câu trả lời khất lần vì cần có thời gian để tổng hợp mới báo cáo số liệu cụ thể được. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn ngày ngày ăn nhầm trái cây có chứa chất độc hại nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

;
.
.
.
.
.