.

Nhộn nhịp dịch vụ ăn theo mùa thi

.

Cứ đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, dịch vụ ăn theo lại hoạt động nhộn nhịp với đủ hình thức kinh doanh, phục vụ và giá cả cũng theo đó dao động liên tục.

Mùa thi là mùa ăn nên làm ra của nhiều quán cóc, vỉa hè. (Trong ảnh: Một quán nước trước điểm thi Trường THPT Trần Phú)
Mùa thi là mùa ăn nên làm ra của nhiều quán cóc, vỉa hè. (Trong ảnh: Một quán nước trước điểm thi Trường THPT Trần Phú)

Đủ kiểu kinh doanh

Ở bất cứ địa điểm thi nào cũng có các quán nhỏ tự mọc lên, không quán nào không đông người ngồi. Chỉ cần một cái bàn nhỏ, vài cái ghế con con, mấy chiếc cốc và bình nước, thế cũng đủ hình thành một quán cóc. Quán nào “sang” hơn thì có thêm cái ô hay tấm bạt che nắng. Nhiều năm nay, cứ đến gần mùa thi tuyển sinh ĐH, quán nước nhỏ gần cổng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) của bà Lê Thị Huyền (đường Phan Tứ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) lại thêm bàn, thêm ghế. Ngày thường, bà chỉ bán nước giải khát, mùa thi tranh thủ bán thêm bánh mì, bánh cuốn. Bà Huyền cho biết: “Ngày thi thì bán từ sáng sớm đến 22 giờ mới nghỉ. Bán mấy ngày này thu nhập cũng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường”. Khách đông nên bà Huyền phải huy động cả gia đình ra phục vụ.

Cũng như bà Huyền, chị Đỗ Thị Minh Phú (chủ quán cơm ở gần Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho biết, ngày thi giá một dĩa cơm không tăng (từ 15.000 - 20.000 đồng/dĩa), chỉ khác là khách vào ăn muốn uống nước phải trả tiền (2.000 đồng/ly) thay vì miễn phí như ngày thường. Ngoài bán cơm, chị Phú còn tranh thủ xếp thêm vài bộ bàn ghế bán nước giải khát; bán cả sim, card điện thoại… và cho thuê cả ghế ngồi (2.000 đồng/ghế). Cứ như vậy, có mùa thi chị thu được cả chục triệu đồng.  

Trước cổng trường thi cũng là địa điểm lý tưởng cho đội ngũ bán đáp án. Thường thì kết thúc buổi thi chưa đến 30 phút, một vài phụ nữ đội nón, cầm trong tay cả xấp đáp án, nhanh chóng rao bán. Nhiều người nhà sĩ tử cả tin tranh nhau mua dù chưa biết đáp án đúng hay sai. Cùng với dịch vụ này, phát tờ rơi cũng là hoạt động thường thấy tại các điểm thi. Vì vậy, cứ sau một buổi thi, cổng trường thi nào cũng có rác.

Ngoài những dịch vụ quen thuộc trên, mùa thi còn là cơ hội ăn nên làm ra cho các dịch vụ: giữ xe, bơm, vá xe máy, xe đạp; dán xe, dán điện thoại, văn phòng phẩm, photo…

Muôn dâu đổ đầu… sĩ tử

Trong khi mọi loại dịch vụ phục vụ thi cử tha hồ tăng giá, ăn nên làm ra thì nhiều người dân phải gồng mình chi trả chi phí. Để có được chỗ ngồi trong quán nước trước cổng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), anh Đỗ Hải Long (ở Quảng Trị) phải trả thêm 2.000 tiền giữ xe. Anh Long bức xúc: “Mình vào ngồi uống nước lẽ ra phải có người giữ xe, đằng này chủ quán lại bảo không trả tiền thì mất ráng chịu”. Ông Vũ Duy Trung (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có con dự thi tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa bày tỏ: “Bây giờ dĩa cơm 15.000 đồng chứ 30.000 đồng cũng phải ăn. Chỉ mong con cái biết thương cha mẹ, học hành thi cử đàng hoàng thì có tốn kém hơn nữa cũng cam lòng”.

Qua nhiều năm được truyền tai nhau, nhiều phụ huynh và sĩ tử cũng rút ra được cho mình những kinh nghiệm quý báu để đối phó như không ăn cơm ở những quán gần điểm thi, không mua đáp án bài thi, tranh thủ đi sớm để tìm chỗ ngồi râm mát dưới gốc cây…

Gần 9.000 lượt thí sinh và người nhà được hỗ trợ

Theo thống kê của Thành Đoàn Đà Nẵng, kết thúc đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại Đà Nẵng, gần 2.000 lượt tình nguyện viên của chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) đã được huy động để tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ hơn 9.000 lượt thí sinh cùng người nhà; hỗ trợ hơn 3.000 chỗ trọ giá rẻ, 700 chỗ trọ miễn phí; 4.500 suất ăn miễn phí được phát đến tận tay thí sinh; 821 chuyến xe thồ miễn phí được huy động để giúp thí sinh và người nhà di chuyển đến điểm thi; phát ra 32.000 bản đồ thành phố hỗ trợ thí sinh trong di chuyển và tham quan thành phố.

Từ chiều 5-7, đợt II của chương trình TSMT năm 2013 bắt đầu được triển khai với 58 điểm tiếp sức, kéo dài đến hết ngày 10-7.

Bài và ảnh: THANH NHÀN
 

;
.
.
.
.
.