.

Quy hoạch và kiến trúc đô thị: Bản sắc Đà Nẵng

.

Từ khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1, công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị có sự bứt phá mạnh mẽ ở mọi phương diện với việc định hướng quy hoạch, kiến trúc và triển khai quy hoạch chi tiết gắn với đầu tư phát triển. Quy hoạch và kiến trúc đô thị Đà Nẵng có tầm nhìn và xây dựng được bản sắc.

Cao ốc Azura, điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu mang tính hiện đại, đáp ứng tiêu chí về chiều cao công trình và tuyến cảnh quan.
Cao ốc Azura, điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu mang tính hiện đại, đáp ứng tiêu chí về chiều cao công trình và tuyến cảnh quan.

Trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch của thành phố 10 năm qua đã có sự đột phá, mạnh dạn điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển năng động của địa phương. Những dấu ấn đột phá về quy hoạch trong lĩnh vực giao thông bao gồm việc hướng tuyến đường Nguyễn Văn Linh ra biển, liên kết với đường Võ Văn Kiệt tạo nên trục giao thông xuyên tâm Đông - Tây; kết nối đường Nguyễn Tất Thành qua quận Sơn Trà bằng cầu dây võng Thuận Phước; quy hoạch tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; mở rộng không gian đô thị về phía Nam; nối dài đường Nguyễn Tất Thành lên phía Tây để kết nối đường tránh Nam Hải Vân; nối đường Hoàng Văn Thái lên Bà Nà; quy hoạch điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai thành phố; điều chỉnh hướng tuyến đường sắt Bắc Nam…

Về quy hoạch sử dụng đất, thành phố đã xác lập quỹ đất để đầu tư phát triển như Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung trên 1.300ha; phát triển khu đô thị lấn biển Đa Phước và đô thị vịnh Mân Quang; chuyển đổi chức năng khu sân vận động Chi Lăng thành Khu Phức hợp thương mại cao tầng; thay đổi vị trí Trung tâm Thể dục-thể thao từ xã Hòa Ninh  về phường Hòa Xuân; phát triển khu vực đô thị phía Nam (Hòa Hải - Hòa Quý - Hòa Xuân - Hòa Phước…); quy hoạch sử dụng đất Khu Du lịch cao cấp Làng Vân với diện tích 1.100ha; mở rộng quy mô và loại hình các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà; di dời các cảng ven sông Hàn; quy hoạch sử dụng đất phát triển 4 sân golf… Hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cấp nước, thoát nước được đầu tư xây dựng đồng bộ trong các khu đô thị mới và khu đô thị cũ.

Qua 10 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1, công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng có sự phát triển nhanh chóng với việc ra đời nhiều khu đô thị mới; các khu du lịch, khu công nghiệp lớn hình thành và tạo thế đi lên cho thành phố. Quy hoạch có tính chất đô thị  hiện đại là hướng đi chủ đạo trong quá trình triển khai quy hoạch chung của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hạ tầng đô thị được đầu tư, tốc độ đô thị hóa dựa trên diện tích đô thị cũ nên không tạo ra độ vênh trên nền đô thị chung.

Thành phố Đà Nẵng đã và đang hình thành các trục không gian đô thị, đặc biệt là khai thác và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên (núi, biển, sông), tạo các điểm nhấn kiến trúc đô thị kết hợp với sự bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc đô thị đã từng bước theo xu hướng hiện đại, tiện dụng, hạn chế mức thấp nhất nhà siêu mỏng. Trong bán kính khu vực đô thị trung tâm, thành phố đã xác định 46 điểm nhấn kiến trúc và hiện đang tập trung xác lập 14 điểm nhấn kiến trúc để tạo cảnh quan, xây dựng bản sắc kiến trúc đô thị. Các điểm nhấn kiến trúc ưu tiên phát triển chiều cao không gian, chiều cao công trình đối với các tuyến cảnh quan ven sông, ven biển, cũng như các điểm nhấn trên các trục đường phố chính. Gắn với đầu tư phát triển mới, thành phố cũng chú trọng bảo tồn công trình cổ có giá trị như Bảo tàng Lịch sử, Thành Điện Hải, đình làng, miếu mộ có giá trị lịch sử đã được xếp hạng…

Thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị hướng tới phát triển bền vững và có bản sắc riêng. Tính nguyên tắc trong định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đang đi theo hướng phân vùng kiến trúc, gồm các vùng cửa ngõ đô thị, các trục không gian đô thị chủ đạo và trục cảnh quan.

Nhiệm vụ quy hoạch chung khi Đà Nẵng là đô thị loại 1

Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, trung tâm của vùng miền Trung và Tây nguyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia;

Đà Nẵng là trung tâm phát triển kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng cấp quốc gia;

Đà Nẵng là thành phố cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế;

Đà Nẵng là trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục-đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ miền Trung;

Đà Nẵng là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước”.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.