Bán hàng đa cấp-hình thức bán hàng trực tiếp hiện đại của doanh nghiệp đang gây nhiều phiền toái cho người tiêu dùng và mạng lưới tham gia. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế do không ít trong số đó nằm ngoài “vùng phủ sóng” của cơ quan chức năng.
Một buổi tư vấn sản phẩm về thực phẩm chức năng. |
Biến tướng
Bán hàng đa cấp là mô hình khá lý tưởng cho những doanh nghiệp (DN) kinh doanh không cần địa điểm trưng bày cố định. Mô hình này xuất hiện trên thế giới hơn 70 năm qua và có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây. Báo cáo của Hiệp hội bán hàng đa cấp cho biết, hiện cả nước có khoảng 1 triệu người tham gia vào mạng lưới này. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng hoạt động với mục tiêu tăng trưởng tích cực, hàng loạt các công ty đã bị cơ quan chức năng các tỉnh, thành xử lý. Riêng tại Đà Nẵng, Tất Hoàng, Thiên Ngọc Minh Uy… là những “chân rết” của bán hàng đa cấp biến tướng từng một thời gây ầm ĩ phải tháo chạy. Trước khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp cùng các công ty kinh doanh, các hợp tác viên luôn được vẽ ra một viễn cảnh sẽ có thu nhập đáng mơ ước. Nhưng rồi, khi các thủ tục đóng tiền thế chân hoặc mua các sản phẩm để làm đại lý cấp “con” ban đầu hoàn tất mà không bán được hàng thì quả đắng đã hiện rõ.
Theo Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn ngày càng diễn ra sôi động. Nhưng tỷ lệ nghịch với sự lớn mạnh của hoạt động đa cấp là con số rất khiêm tốn các DN có đăng ký thủ tục rõ ràng với cơ quan thẩm quyền. Phòng một cửa Sở Công thương cho biết, thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Sở chỉ tiếp nhận hồ sơ thông báo mở rộng mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp của các DN là chủ yếu. Như quy định, muốn hoạt động tại một địa phương nào đó thì công ty kinh doanh đa cấp phải có sự giới thiệu của Sở Công thương nơi trụ sở chính của công ty đó thành lập ban đầu tới Sở Công thương của nơi sẽ hoạt động. Ngoài ra, DN còn phải hoàn thành thủ tục giấy phép, báo cáo với địa phương sẽ triển khai kinh doanh và thông báo lịch hội thảo, đào tạo, họp báo… Tuy nhiên, dù không có tên trong sổ quản lý, Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh vẫn thỉnh thoảng gửi văn bản tới Sở Công thương Đà Nẵng để thông báo kế hoạch tổ chức hội thảo, giao lưu khách hàng kinh doanh thực phẩm chức năng.
Khó quản lý
Mới đây, qua phản ánh của chị Phan Thị Thanh L. (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng) sau khi bị bạn rủ rê vào công ty Tầm nhìn Việt Nam, chị L. đã phải ôm nợ với số tiền hơn 5 triệu đồng mà không bán được sản phẩm nào. Không ít trường hợp người tham gia ở đủ mọi giới, mọi lứa tuổi chấp nhận mất trắng số tiền đóng chân như chị L. vì không đủ khả năng hoạt động. Trong tổng số 32 DN có thông báo tổ chức bán hàng đa cấp, chỉ có 12 DN có chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị phân phối tại Đà Nẵng (4 DN đã ngưng hoạt động); còn lại đều có trụ sở chính tại các địa phương khác, chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chính vì vậy, rất khó cho công tác quản lý. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động tại Đà Nẵng, thời gian qua có nhiều người dân phản ánh đến cơ quan chức năng và báo chí về cách thức kinh doanh thu lợi bất chính, nhưng đến khi rà soát không thấy tên của đơn vị này trong danh sách thống kê của Sở Công thương Đà Nẵng. Điều này có nghĩa DN đã nằm ngoài sự quản lý của cơ quan chức năng.
Nói về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho rằng, cơ sở pháp lý hiện nay vẫn chưa thật sự đầy đủ và chặt chẽ để có thể quản lý tốt hoạt động kinh doanh đa cấp. Muốn kiểm soát tốt, đội ngũ cán bộ làm công tác này phải đáp ứng yêu cầu, trong khi họ lại chưa hiểu rõ về bản chất của phương thức kinh doanh đa cấp, những mánh khóe của DN... Ngay cả hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa hoàn thiện. “Về nguyên tắc, bản thân DN bán hàng đa cấp phải theo sát nhà phân phối, nhưng nếu nhà phân phối chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thiếu đạo đức kinh doanh mà không có phản hồi của người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cũng khó xử lý. Thậm chí, cho dù khách hàng có phản hồi nhưng không lưu giữ được bằng chứng thì cũng bó tay”, ông Bằng nói.
Đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam khẳng định: Những vi phạm về bán hàng đa cấp chủ yếu rơi vào tình trạng thông tin sai lệch về công dụng chất lượng hàng hóa, buộc người tham gia phải mua hàng hoặc nộp tiền để tham gia mạng lưới. Mặt khác, các DN kinh doanh nhiều mặt hàng không đăng ký và nằm trong danh mục cấm, hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra tại nhà, qua thông tin truyền miệng nên người tiêu dùng khó khiếu nại khi quyền lợi bị vi phạm. Để nâng cao năng lực hoạt động bán hàng đa cấp, trong thời gian tới cần hoàn thiện các văn bản pháp lý; đồng thời lực lượng quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tăng cường kiểm soát DN, hỗ trợ người dân ngăn chặn bán hàng đa cấp bất chính.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH