.
Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực

Tạo động lực cho doanh nghiệp

.

Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Đà Nẵng có 9 đơn vị được chọn lựa, gồm Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP SX-XNK Dệt may Đà Nẵng (Vinatex), Công ty TNHH Tiến Thắng, Công ty TNHH Hải Thanh, Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung; thuộc 3 ngành sản xuất với 5 sản phẩm: lốp ô-tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi-măng.

Quần âu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Công ty CP Dệt may 29-3.
Quần âu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Công ty CP Dệt may 29-3.

Các doanh nghiệp (DN) này đóng góp trên 42% GDP của toàn ngành Công nghiệp thành phố. Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm trên qua các năm gia tăng đáng kể. Một số DN mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm quần áo may sẵn tăng bình quân 27%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 19,8%/năm; sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng bình quân 10%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm. Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách hàng đầu của thành phố. Năm 2012, công ty nộp ngân sách đạt 250 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2005 (năm đầu tiên thực hiện chương trình), ngày 25-3-2013, công ty sản xuất thành công chiếc lốp ô-tô toàn thép đầu tiên tại Việt Nam, mở ra tương lai mới cho sự phát triển.

Nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp chủ lực được hỗ trợ phát triển khá tốt, tốc độ tăng về giá trị sản xuất công nghiệp khá cao so với tốc độ tăng sản lượng, do các DN chuyển dần từ gia công thuần túy sang sản xuất trực tiếp, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần hàm lượng chế biến. Các sản phẩm may mặc, giày da có lượng hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và bán thành phẩm) chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% cơ cấu của các sản phẩm. Do hàm lượng chất xám, cơ cấu giá thành sản phẩm và các công đoạn có yếu tố nội địa tăng cao nên tỷ suất lợi nhuận ngày càng tăng. Các đơn vị có điều kiện tích lũy, bổ sung vốn, đầu tư thiết bị mới và cơ cấu lại nền tài chính theo hướng ngày càng lành mạnh.

Sự tăng trưởng cao và khá bền vững của các DN tham gia chương trình đã có tác dụng tốt nhằm động viên, khuyến khích các DN tích cực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều DN coi trọng các biện pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. Nhiều DN được cấp giấy chứng nhận áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế như: Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước là HACCP, BRC, ISO 22000, ISO 14001, Global Gap, BAP…; Công ty CP Dệt may 29-3  là ISO 9001, WRAP…; Công ty CP Vinatex Đà Nẵng là ISO 9001. Riêng Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã hoàn thành việc đăng ký và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “DRC, HÌNH” trên lãnh thổ Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar... Nhờ vậy, các DN đã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và không ngừng phát triển.

Sự thành công của các DN được tham gia Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực không chỉ tạo ra vị thế mới của chính DN trên thương trường mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ trong cộng đồng DN, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo tinh thần Nghị quyết 33 -NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.