.

Điện lực Đà Nẵng: Cấp điện an toàn trong mùa mưa bão

.

Năm 2013, dự báo sẽ có khoảng hơn 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, trong đó có ảnh hưởng tới Đà Nẵng. Để khắc phục nhanh nhất các sự cố có thể xảy ra, Điện lực Đà Nẵng (ĐLĐN) đã xây dựng kế hoạch và phương án khắc phục, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị trực thuộc.

Bảo dưỡng đường dây 110kV trên đường Lê Thanh Nghị.
Bảo dưỡng đường dây 110kV trên đường Lê Thanh Nghị.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm của công tác phòng chống lụt bão của các năm trước, ĐLĐN đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) công ty, lực lượng xung kích PCLB và xử lý sự cố. Việc khắc phục sự cố được vận dụng linh hoạt nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư và phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ), nhanh chóng phục hồi hệ thống điện, bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Việc khôi phục được thực hiện theo “Phương án khôi phục hệ thống điện Đà Nẵng trong tình huống sau thiên tai, lụt bão” và theo thứ tự ưu tiên (đường dây trước, trạm biến áp (TBA) sau, đường trục trước, nhánh rẽ sau, điện áp cao trước, điện áp thấp sau...). Trước khi khôi phục, thực hiện tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá, có phương án khôi phục hợp lý, đóng điện khôi phục cấp điện chỉ được thực hiện khi đường dây, công trình điện đã được kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn. Trước khi đóng điện trở lại (xuất tuyến, nhánh rẽ) phải thực hiện thông báo với nhân dân trong khu vực.

Đến ngày 30-5, ĐLĐN đã hoàn thành kế hoạch thí nghiệm định kỳ, xử lý các tồn tại ở các TBA phụ tải, TBA nguồn, trung gian và giải quyết tồn tại đúng thời hạn. ĐLĐN đã chỉ đạo cho các đơn vị hoàn tất sửa chữa thiết bị, công trình, móng và cột điện, đường dây, trạm điện xong trước mùa mưa bão… bảo đảm cấp điện an toàn trong mùa mưa lũ. Vì vậy, các vị trí xung yếu, vượt sông, vị trí có nguy cơ bị ngập lụt trước mùa mưa bão đã được khắc phục. Riêng trạm điện Cầu Đỏ, nguồn điện dự phòng tại chỗ (khoảng 12 máy phát, với công suất tối đa 9 MVA) đã được bảo dưỡng, chống ngập và sẵn sàng phát điện khi có sự cố.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc và các tổ công tác đã hoàn thành việc kiểm tra các đường dây hạ thế, dây sau công-tơ do khách hàng quản lý để phát hiện điểm mất an toàn, thông báo đề nghị sửa chữa trước mùa mưa bão. Đồng thời, ĐLĐN đã làm việc với địa phương, đơn vị bạn phối hợp xử lý tình huống mưa bão xảy ra, các hiện tượng mất an toàn, có thể gây ra sự cố trên hệ thống điện, kịp thời thông báo với công ty để cắt điện những khu vực mất an toàn và khả năng bị ngập, lụt. Phối hợp các địa phương, các đơn vị ngành điện trên địa bàn, đơn vị có năng lực cung ứng vật tư, xây lắp… trong công tác khắc phục hậu quả bão lụt, khôi phục hoạt động của hệ thống điện, đảm bảo cấp điện nhanh nhất cho các thuê bao.

Những thiệt hại do bão lũ gây ra là không thể lường trước, vì vậy, mỗi hộ sử dụng điện, ngoài việc sử dụng điện an toàn hiệu quả khi có sự cố cần phối hợp, thông báo ngay theo các số điện thoại và các tổ trực của ĐLĐN để kịp thời phát hiện và khắc phục khi có sự cố.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.