Giảm tổn thất điện trong truyền tải và phân phối điện là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Điện lực Hải Châu (ĐLHC) thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Điện lực Đà Nẵng) thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Nhờ vậy, ĐLHC luôn là đơn vị dẫn đầu trong các Điện lực trực thuộc ĐLĐN về chỉ tiêu tiết kiệm điện (TKĐ) trong truyền tải.
Thay thế máy biến dòng (IT) phù hợp với MBA để tiết kiệm điện. |
Năm 2013, ĐLHC xác định đây là giải pháp hàng đầu để cùng công ty tham gia TKĐ. Đến cuối tháng 7-2013, tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối (TT&PP) tại ĐLHC đạt 5,33%, giảm 0,23% so với kế hoạch giao (5,56%) và giảm được 2,94% so với cùng kỳ năm 2012. Đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2013, ĐLHC đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp giảm tỷ lệ điện dùng để TT&PP phù hợp với hiện trạng lưới điện. Trong đó, việc kết hợp hiệu quả giữa công tác quản lý vận hành với các biện pháp kỹ thuật, cũng như việc đầu tư xây dựng, sửa chữa lưới điện được coi là giải pháp quan trọng nhất.
Trong công tác quản lý kỹ thuật, hằng tháng Phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Đội Quản lý vận hành đường dây và Trạm biến áp (TBA), Tổ Quản lý đo đếm và Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện của ĐLHC đã phối hợp kiểm tra hiện trường các tuyến trung áp có tỷ lệ điện dùng để TT&PP bất thường, các TBA có tổn thất trên 7%, các TBA non tải dưới 10%, đầy tải trên 90% và phụ tải… vận hành mất đối xứng lớn hơn 15%. Trên cơ sở đó lập phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Nhờ đó, ĐLHC đã thực hiện hoán chuyển 2 MBA, san tải 11 trường hợp cho 22 TBA và nâng công suất 1 TBA để chống non tải, quá tải; đồng thời, tổ chức cân pha cho 30 TBA dân dụng và phối hợp khách hàng có TBA riêng để cân pha 15 TBA mất đối xứng. Ngoài ra, ĐLHC cũng đã tổ chức kiểm tra 55 trường hợp TBA dân dụng có tổn thất cao trên 7% (kiểm tra hệ thống đo đếm trạm, dòng vận hành, điện áp cuối nguồn…) và vệ sinh bảo dưỡng 107 TBA trên địa bàn do ĐLHC quản lý. Đi đôi với các giải pháp trên, ĐLHC đã đẩy nhanh tiến độ thi công 29/29 hạng mục công trình đầu tư xây dựng (trong năm 2013) trên địa bàn, nhằm sớm đưa các công trình này vào sử dụng.
Trong công tác quản lý kinh doanh, ĐLHC đã có biện pháp xử lý, điều chỉnh tỷ lệ điện dùng để TT&PP phi kỹ thuật ở nhiều MBA. Trong đó, đã thay máy biến dòng (TI) phù hợp với mức mang tải cho 12 MBA. Đồng thời đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện đối với 2.597 trường hợp, thí nghiệm định kỳ 4.243 công-tơ 1 pha, 847 công-tơ 3 pha, 117 TI. Nhờ đó, đã phát hiện kịp thời 63 trường hợp hệ thống đo đếm không hoạt động (đứng, cháy, hỏng...) và đã truy thu hàng chục triệu đồng tiền điện tổn thất do hệ thống đo đếm ngừng hoạt động nói trên.
Ngoài những biện pháp trên, ĐLHC đã tăng cường chỉ đạo các phòng liên quan, phối hợp quản lý tốt phần mềm CMIS 2.0, phần mềm PSS/ADEPT nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành lưới điện, công tác quy hoạch, dự báo và lập kế hoạch sửa chữa, đầu tư xây dựng cho những năm tiếp theo. Bảo đảm các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện (chỉ số SAIFI, SAIDI và MAIFI) và nâng cao chất lượng cung cấp điện năng, quản lý vận hành tốt 30 cụm tụ bù trung áp và 52 cụm tụ bù hạ áp (trong đó có 22 cụm của khách hàng) đang vận hành trên lưới điện. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công 29 hạng mục công trình đầu tư xây dựng mới trong năm 2013 và 4 hạng mục công trình sửa chữa lớn đúng tiến độ được giao.
Để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tiết kiệm điện dùng để TT&PP 4,2% (theo kế hoạch công ty giao), ĐLHC đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả như: Thành lập lại Tổ công tác “giảm tỷ lệ điện dùng để TT&PP” về triển khai thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ điện dùng để TT&PP giai đoạn 2013-2015. Đặc biệt là tập trung giảm số lượng TBA vận hành non tải, phấn đấu thực hiện xử lý giảm 2 trường hợp/tháng. Tăng cường kiểm tra hiện trường và xử lý kịp thời các xuất tuyến trung áp tổn thất cao, bất thường và đề xuất phương án xử lý, không để xảy ra tình trạng vận hành quá tải, điện áp thấp trên đường dây và TBA.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH