.

Đưa lãi suất "tam nông" về 6%

.

Tại buổi làm việc với các ban, ngành, địa phương, tổ chức tín dụng (TCTD) sáng 20-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã đề nghị đưa lãi suất tín dụng nông nghiệp, nông thôn về mức 6%/năm để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của nông dân hiện khá cao.  trong ảnh: sản xuất rau ở quận Ngũ Hành Sơn. 							Ảnh: THÀNH LÂN
Nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của nông dân hiện khá cao. trong ảnh: sản xuất rau ở quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THÀNH LÂN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, thời gian qua Chính phủ và thành phố đã có nhiều ưu tiên đặc biệt cho “tam nông”, nhưng tỷ lệ người dân được vay vốn từ các ngân hàng (NH) để phát triển sản xuất chưa cao. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa trên địa bàn khiến nhiều nông dân mất đất sản xuất. Vùng còn sản xuất được thì năng suất, hiệu quả không cao. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những chính sách tín dụng linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân. Đây là một trong những kế hoạch hành động nằm trong chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, đến cuối tháng 6-2013, tổng dư nợ tín dụng của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đạt 12,243 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với năm 1997; đã cho hơn 1.440 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã ký chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố thực hiện ủy thác từng phần trong quy trình cho vay đối với hộ nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, Hội đã nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo phương thức nhận ủy thác từng phần là 185 tỷ đồng với 336 tổ tiết kiệm (TTK), từ Agribank 175 tỷ đồng với 40 tổ vay vốn… Tuy nhiên, công tác xây dựng và tạo nguồn vốn của quỹ còn nhiều hạn chế như tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị quá nhỏ, đa số các quận, huyện chưa xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân, nợ quá hạn cao; tầm ảnh hưởng chưa sâu rộng; nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên phương pháp truyền thống là chính…

Đại diện lãnh đạo và Hội Nông dân huyện Hòa Vang đều cho rằng: Hòa Vang đang đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn hơn nên nhu cầu vay của nông dân rất lớn. Mặc dù đến nay tổng dư nợ vay trên địa bàn đạt hơn 100 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với nhu cầu. Do đó, cần nghiên cứu cho vay phù hợp với nhu cầu của người dân. Đặc biệt, phải nâng giá trị vay và giảm lãi suất vay cho nông dân. Bởi đây là đối tượng cần hỗ trợ nhiều hơn các loại hình kinh tế khác.

Ông Đoàn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết: Hiện nay dư nợ cho vay nông dân của ngân hàng là 193 tỷ đồng; trong đó cho vay hộ nghèo 83,5 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 20,6 tỷ đồng. Đặc biệt cho vay với đồng bào dân tộc sẽ áp dụng lãi suất 0%... Thời hạn cho vay của ngân hàng từ 2 đến 3 năm với mức lãi suất ưu đãi khoảng 9,6%/năm.

Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Đối tượng vay nông nghiệp thường bị tác động nhiều bởi điều kiện tự nhiên, như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… Mặt khác, các ngân hàng ngại cho nông dân vay vì vốn giải ngân nhỏ, chi phí giám sát lớn. Tuy nhiên, qua nhiều năm cho vay, các Chi nhánh Agribank trên địa bàn thành phố nhận thấy, đối tượng nông dân dễ thu lãi nhất, họ rất lo lắng trong việc trả nợ ngân hàng. Hiện nay dư nợ cho vay nông dân theo Nghị định 41 của ngân hàng đạt trên 246 tỷ đồng, với hơn 2.200 hộ vay, trong đó cho vay đầu tư ngành nghề đạt 170 tỷ, đầu tư chi phí sản xuất nông nghiệp 76 tỷ. Đặc biệt, Agribank cho vay lãi suất thấp nhất với 0,75%/tháng cho các kỳ hạn vay dưới 1 năm. Đây là lãi suất ưu đãi nhất hiện nay ở lĩnh vực này.

Cần đầu tư vốn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa.
Cần đầu tư vốn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng, thời gian đến nên điều chỉnh nâng mức vay vốn đối với hộ nông dân cũng như các trang trại, HTX, gia hạn thêm thời gian, đối tượng vay. Đặc biệt, tiến tới quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết để tín dụng được bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho vay... Bởi kết quả cho vay nông dân cho thấy hiệu quả rất tốt, tỷ lệ trả nợ đúng hạn cao, nợ xấu thấp…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội Nông dân, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Agribank Chi nhánh Đà Nẵng. Đồng chí đề nghị các ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc cho vay tín dụng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, cần đẩy mạnh cho vay hộ nghèo, cho vay nước sạch, vay giải quyết việc làm… góp phần cùng thành phố hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cũng thống nhất, bổ sung thêm 5 tỷ đồng cho nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đồng thời hạ lãi suất cho vay của quỹ xuống còn 6%/năm để hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với nhu cầu của nông dân.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.