Trong chuyến công tác tại Đà Nẵng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Gói 30.000 tỷ đồng này không nhằm cứu thị trường bất động sản, mà trước hết là để giải quyết khó khăn về nhà ở cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
TIN LIÊN QUAN
Qua đó khơi thông được dòng tiền đối ứng từ phía các doanh nghiệp, người dân. Đồng thời lôi kéo sự chú ý của người dân quay trở lại thị trường bất động sản. Từ phân khúc nhà ở thu nhập thấp để tạo sức lan tỏa, lấy lại lòng tin và khôi phục lại thị trường bất động sản nói chung”.
Tạo dựng niềm tin giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội để nguồn vốn vay hỗ trợ nhà ở được hấp thụ hiệu quả. Trong ảnh: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết hợp tác tài trợ vốn cho nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội. |
Thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội liên tiếp được khởi công ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ... đã lôi kéo được một dòng tiền của xã hội vào gói 30.000 tỷ đồng, đưa được một lượng lớn vật liệu xây dựng vào các dự án này, tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều công ty xây lắp và sản xuất trang thiết bị nội thất... Tuy nhiên, cũng gần 2 tháng qua, gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định đối tượng, thủ tục cho vay. Đặc biệt, có những lo ngại về sự chệch hướng trong hấp thụ nguồn vốn. Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tại Đà Nẵng cho biết, do chủ trương cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội của Chính phủ hoàn toàn mới, lần đầu tiên triển khai nên trong thời gian đầu khó tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Vì vậy các ngành hữu quan ở Trung ương, địa phương và ngân hàng cấp trên cần hỗ trợ, giúp đỡ để dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng được triển khai đúng kế hoạch, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội. Về phía chủ đầu tư, ông Đàm Quang Tuấn cho rằng: “Việc được vay với lãi suất ưu đãi thực sự tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Nhưng nếu thủ tục giải ngân chậm, qua mất thời điểm nhu cầu của thị trường hiện nay thì gói hỗ trợ lại không đáp ứng yêu cầu tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Đối với người dân Đà Nẵng, niềm tin với chủ dự án nhà ở xã hội và ngân hàng trong những năm qua có khoảng cách khá xa. Một số dự án nhà ở xã hội thực hiện từ năm 2009 đến nay gây mất niềm tin ở người dân bởi quá khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Chủ dự án thiếu nguồn lực tài chính nên trễ tiến độ; chất lượng nhà ở chưa bảo đảm. Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu mua căn hộ nhà ở xã hội tại Khu dân cư số 1 Nguyễn Tri Phương than thở: Doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội liên tục trễ tiến độ bàn giao nhà. Sau khi nhận nhà, gia đình phải đầu tư thêm để cải tạo căn hộ nhưng sống được vài năm căn hộ nhanh chóng xuống cấp; an ninh không đảm bảo… Cũng ở thời điểm này, hàng trăm hộ thu nhập thấp được UBND thành phố duyệt danh sách mua nhà ở xã hội đã phải “tháo chạy” bỏ lại quyền lợi tiếp cận nhà ở xã hội vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng như cam kết ban đầu.
Đặt niềm tin vào chính sách phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP người dân Đà Nẵng đang háo hức với những dự án nhà ở xã hội mới theo nguồn hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng. Anh Nguyễn Thanh Hùng, đang công tác ở ngành Giáo dục thành phố cho biết, gia đình anh đang thuê nhà ở trọ, thu nhập hiện tại không thể mua đất làm nhà nên rất mong muốn tiếp cận được vốn vay ưu đãi để mua căn hộ chung cư.
Ông Đàm Quang Tuấn qua vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Để sử dụng tốt gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, cần có một niềm tin, gắn kết trách nhiệm và hành động giữa chính quyền, ngân hàng, chủ dự án và người dân để bảo đảm dòng vốn được khơi thông. Chính quyền kiểm soát việc thực thi chính sách của Chính phủ, ngân hàng giải ngân cho vay và thu hồi được vốn vay, chủ dự án sử dụng vốn đúng mục đích, thi công đúng tiến độ, người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay và có phương án thanh toán nợ vay”.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, Sở Xây dựng sẽ trực tiếp theo dõi tiến độ đầu tư và thi công của chủ dự án nhà ở xã hội, kiểm soát chất lượng công trình để đem lại sản phẩm nhà ở xã hội tốt nhất cho người dân.
Tại Đà Nẵng, dự án nhà ở xã hội Nest Home 1 do Công ty TNHH Kinh doanh đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMIC) được đánh giá là dự án chất lượng cao bởi mức giá trên 8 triệu đồng/m2. Chủ dự án đã vượt qua khó khăn của thị trường bất động sản đóng băng, hàng trăm căn hộ chung cư đã được bán và khi có dòng vốn tín dụng 30.000 tỷ đồng, khách hàng của dự án nhanh chóng được các ngân hàng cho vay. Đây thực sự là dự án mở đường cho việc tạo dựng niềm tin giữa chủ đầu tư - ngân hàng và người dân trong việc đưa gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vào cuộc sống. Bà Trần Thị Dịu Hòa, Tổng Giám đốc PMIC chủ dự án nhà ở xã hội Nest Home 1 phấn khởi trước khả năng hấp thụ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng, qua gần 2 tháng thực hiện giải ngân nguồn vốn tín dụng 30.000 tỷ đồng đã có 18 khách hàng cá nhân vay 3 tỷ đồng mua nhà ở xã hội. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG