.

Hiệu ứng phát triển đô thị phía nam

.

Từ quy hoạch liên kết vùng giữa thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, vùng đất nghèo khó ngày nào phía đông nam thành phố trở thành khu đô thị mới.

Từ quy hoạch liên kết vùng giữa thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, vùng đất nghèo khó ngày nào phía đông nam thành phố trở thành khu đô thị mới.
Gấp rút thi công dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung tại Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.

Hai năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực đô thị phía đông nam thành phố tại các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Với các tuyến đường Trần Đại Nghĩa nối với đường ĐT 607, đường Võ Chí Công, đường Vành đai phía nam đã thu hút đầu tư phát triển đô thị tăng lên. Hai dự án mới đầu tư xây dựng: Trường Đại học quốc tế Thái Bình Dương và Trường Liên cấp quốc tế Singapore đang tạo ra sức sống mới cho vùng đất rộng lớn này. Tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, những sân bóng đá cỏ nhân tạo; các dự án khu phố chợ, trung tâm thương mại… đang hình thành bên vùng đất hẻo lánh ngày nào giờ thành khu đô thị. Hạ tầng y tế, văn hóa được đầu tư, những khu tái định cư và các loại hình dịch vụ mọc lên chạy dọc con đường ven biển Ðiện Nam - Ðiện Ngọc cho thấy những đổi thay cuộc sống của người dân địa phương.

Các nhà đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đổ về đầu tư trên vùng đất mới. Trong đó, đầu tư dự án bất động sản là một lợi thế để kinh doanh. Dự án Khu phố chợ Điện Nam do Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Nguyên Thịnh Phát làm chủ đầu tư đang dần hình thành, nằm trong quy hoạch tổng thể của Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Khu phố chợ Điện Nam Trung kết nối hạ tầng đô thị với các cơ sở giáo dục đào tạo từ mẫu giáo đến đại học; hạ tầng ngành Y tế và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với hơn 80.000 công nhân. Khu phố chợ Điện Nam Trung hình thành sẽ là nơi giao lưu văn hóa, thương mại trong khu vực. Được biết, dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung đưa vào sử dụng vào tháng 10-2013, sẽ là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp tìm đến đầu tư.

Năm 2012, Chi nhánh Tập đoàn Đất Quảng tại Quảng Nam đi vào hoạt động và trở thành nhà đầu tư lớn trong phát triển hạ tầng đô thị tại Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Dự án khu đô thị mới Ngân Câu - Ngân Giang thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn là ví dụ. Khu đô thị này rộng 9ha với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng. Dự án đã nhanh chóng có sự hợp tác đầu tư và khai thác từ Tập đoàn Đất Xanh đến từ thành phố Hồ Chí Minh góp vốn đầu tư 10 triệu USD. Tập đoàn Đất Xanh thông qua Công ty CP Đất Xanh miền Trung trong năm 2013 đã triển khai đầu tư và khai thác thành công nhiều dự án bất động sản trong khu vực Khu phố chợ Điện Ngọc. Công ty CP Vinaconex 25, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 cũng duy trì và phát triển các dự án bất động sản tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, quy hoạch chung đô thị mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích 2.700ha, định hướng phát triển khu đô thị sinh thái. Từ năm 1999 đến nay, khu đô thị đã thu hút được 52 dự án, gồm các nhóm dự án về khu dân cư, dịch vụ thương mại, y tế, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp... Ở hướng đầu tư phát triển khác, Khu công nghiệp Ðiện Nam - Ðiện Ngọc có sức thu hút lớn về đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ, trong đó đáng chú ý là hệ thống đường Ðiện Nam - Ðiện Ngọc ven biển hoàn thành, bảo đảm điều kiện triển khai các dự án du lịch...

Từ định hướng phát triển vùng đông huyện Ðiện Bàn, lấy Khu công nghiệp Ðiện Nam - Ðiện Ngọc là trung tâm trên trục Ðà Nẵng - Hội An, cho thấy đây là hướng đi hiệu quả của tỉnh Quảng Nam trong việc kết nối quy hoạch liên kết vùng với thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.