.

Hỗ trợ đổi mới công nghệ: Còn xa thực tế

.

Để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng lợi thế cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, hơn 2 năm qua, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ nhưng DNNVV vẫn không tiếp cận được vì chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Trung tâm  R&D (nghiên cứu và phát triển) của  Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông giới thiệu sản phẩm đèn LED tiết kiệm điện tại thị trường Đà Nẵng.
Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông giới thiệu sản phẩm đèn LED tiết kiệm điện tại thị trường Đà Nẵng.

Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Đà Nẵng, đến nay ngành khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chí nào để đánh giá hàm lượng, năng lực, trình độ và tác động môi trường của công nghệ. Tuy nhiên, các nhà quản lý vẫn có thể nhận định được rằng, hầu hết DNNVV trong nước đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Vì vậy yêu cầu hỗ trợ DNNVV đổi mới chuyển giao công nghệ đặt ra cấp thiết và cần có những cú hích đúng chỗ.

Theo đó, đầu năm 2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2011/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (DN). Quỹ này do DN thành lập từ nguồn trích tối đa 10% thu nhập tính thuế để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN của DN thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu quỹ không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết 70%, hoặc sử dụng không đúng mục đích thì DN phải nộp ngân sách Nhà nước. Sự hỗ trợ về chính sách thuế rất cụ thể nhưng ngay cả những DNNVV thường xuyên đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố cũng hờ hững.

Ông Nguyễn Quang Trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Danapha cho rằng, Trung tâm R&D của công ty hoạt động có chiến lược và hoàn toàn bằng nguồn đầu tư của DN. Nếu thành lập Quỹ phát triển KH&CN thì việc sử dụng kinh phí từ quỹ này rất phức tạp vì hoạt động nghiên cứu khoa học  khó quyết toán.

Còn ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ quyết định sự sống còn của công ty. Vì vậy bằng mọi cách, công ty phải đầu tư cho hoạt động này. Từ khi có hướng dẫn thành lập Quỹ phát triển KH&CN, công ty đã triển khai nhưng việc sản xuất kinh doanh 2 năm nay lại rất khó khăn, không có lợi nhuận nên Quỹ phát triển KH&CN cũng vẫn ở con số 0.

Để hỗ trợ DNNVV ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đầu năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 08/2012 quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn. Đây được xem là “cơ chế mồi”, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho DN để kích cầu công nghệ, tạo động lực đổi mới. Song, vẫn chưa có DN nào tiếp cận được chính sách này.

Rõ ràng, định hướng hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trong cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng trong những năm qua tuy đã hình thành nhưng thực tế nhưng vẫn chưa đến được với DN. Các cơ chế chính sách chưa đủ mạnh và chưa sát với thực tế thì DN có muốn thay đổi công nghệ cũng khó thực hiện được.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.