.
Hội chợ EWEC Đà Nẵng 2013

Mở rộng giao thương

.

Sáng 8-8, Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) Đà Nẵng 2013 khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Đà Nẵng. Đến dự và cắt băng khai mạc có Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Tổng lãnh sự LB Nga tại Đà Nẵng Valentin Dikushin, Bí thư thứ nhất chính trị Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội Adriaan Du Pisanie…

Phát biểu chúc mừng khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EWEC là hội chợ thường niên có tầm quy mô quốc tế. Sự có mặt của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại hội chợ lần này thể hiện được sức sống và tiềm năng của Đà Nẵng đối với các nước trong khu vực. Đà Nẵng trở thành một địa điểm quan trọng trong xúc tiến thương mại quốc gia và sẽ là “thành phố đầu tàu” trong hợp tác quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết bày tỏ: “Hội chợ quốc tế EWEC Đà Nẵng 2013 là sự nỗ lực lớn, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Qua hội chợ lần này, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp các nước giao lưu hiệu quả và mở được văn phòng đại diện tại Đà Nẵng”.

Tại hội chợ, doanh nghiệp Thái Lan đã mang đến cho người tiêu dùng Đà Nẵng nhiều chủng loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, da giày, nước giải khát… và việc quảng bá tiềm năng du lịch, dịch vụ. Chị Supalak Lorwong, Đại diện Resort Banrimkwae của tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan) cho hay: “Thông qua mạng Internet, chúng tôi biết Đà Nẵng là thành phố miền Trung của Việt Nam đầy năng động. Là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ ra biển Thái Bình Dương của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Việc tham gia hội chợ lần này không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch của Thái Lan mà chúng tôi còn mong muốn được hợp tác với các công ty du lịch, các khu resort tại Đà Nẵng để hai bên cùng nhau liên kết nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của hai nước nói chung và hai tỉnh nói riêng trong thời gian tới”.

Ông Adriaan du Pisanie cho rằng: “Ngoài việc xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước hai bên, các doanh nghiệp cũng cần trao đổi trực tiếp qua những hội chợ như thế này. Tôi nghĩ, Đà Nẵng đang có thế mạnh về ngành công nghiệp dệt-may xuất khẩu, trong khi đó Nam Phi cũng có thế mạnh về sản xuất sợi xenlulo- nguyên phụ liệu trong ngành dệt-may. Nếu có sự hợp tác hai chiều, chắc chắn không chỉ riêng lĩnh vực thương mại, du lịch mà đầu tư cũng là thế mạnh”.

Nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia hội chợ lần này cũng kỳ vọng những cơ hội mở rộng thị trường trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Công Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và xúc tiến du lịch Thái Nguyên bày tỏ: Hội chợ lần này được tổ chức quy mô lớn và chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều nước đã giới thiệu những sản phẩm đặc trưng để quảng bá cho đất nước mình một cách chu đáo và nhiệt tình. Lần đầu tiên tham gia hội chợ, Thái Nguyên mong muốn quảng bá, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của tỉnh mình đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên EWEC, nhất là sản phẩm trà nổi tiếng của Thái Nguyên. Lâm Đồng cũng là địa phương có thế mạnh về các mặt hàng như: tơ tằm, lụa tơ tằm, hạt giống, cây giống, mô hoa, hàng cơ khí, côn trùng, trái cây… đã xuất khẩu đến thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan… Bên cạnh đó, dòng sản phẩm mới của các tỉnh, thành trong và ngoài nước đã làm phong phú thêm diện mạo của hội chợ.

Theo Ban tổ chức, trong những ngày diễn ra hoạt động giao thương, đoàn doanh nghiệp và chính quyền của một số nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ đến tham quan và trực tiếp “khởi động” các chương trình kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các bên.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.