Tồn tại hàng chục năm trời như một nghề truyền thống, làng giá Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) không ít lần bị chao đảo bởi tin đồn thất thiệt. Bất chấp những khó khăn đó, nhiều nông dân vẫn quyết tâm bám trụ nghề làm giá với mong mỏi một ngày không xa, sản phẩm giá đỗ làm ra được người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.
Cần xây dựng thương hiệu cho Làng giá Nghi An. |
Nghi An có 15 hộ làm giá quy mô lớn với số lượng cung cấp ra thị trường khoảng 7-8 tấn giá/ngày. Với số lượng như vậy, vùng này được xem là nơi sản xuất giá lớn nhất Đà Nẵng. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ trong thành phố mà còn xuất bán cho tỉnh Quảng Nam. Theo Hội Nông dân phường Hòa Phát, những hộ chuyên làm giá trên đều dùng phương pháp ủ trong hũ (vại lớn) với quy trình hoàn toàn sạch, không sử dụng bất cứ hóa chất độc hại nào và được cơ quan chức năng kiểm định an toàn. Tuy nhiên, thời gian qua, thông tin nhiều cơ sở sản xuất giá trong nước có sử dụng hóa chất kích thích làm mập cọng giá và tẩy trắng giá làm ảnh hưởng đến sản phẩm các hộ làm nghề ở đây.
Chìa tấm giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, anh Nguyễn Văn Thuận (tổ 14 A) cho biết, quy trình làm giá ở đây rất sạch; hầu hết những hộ làm giá đều là bà con, anh em với nhau nên về phương thức, kỹ thuật cũng gần giống nhau. “Làm giá cũng cực lắm, dùng nước máy ủ giá là không được, rồi khi chuyển trời giá cũng bị hư. Thiệt tình, mấy đợt có tin đồn giá chứa hóa chất khiến những người làm giá chúng tôi cũng lao đao, phải giảm bớt số lượng. Hồi trước, trung bình mỗi ngày hộ tôi làm 800kg thì bây giờ chỉ còn 600kg thôi. Nhiều người đã bỏ nghề vì làm số lượng ít, lời lãi không bao nhiêu”, anh Thuận trò chuyện. Không riêng anh Thuận, những hộ làm giá với số lượng lớn hàng trăm kilogam hiện tại cũng giảm hẳn. Tuy nhiên, khi được hỏi về chuyện cạnh tranh, nhiều hộ khẳng định: Đầu ra thì không lo vì làng giá Nghi An có tiếng lâu nay. Người buôn các chợ Đầu mối Hòa Cường, Hòa Khánh và nhiều chợ lớn nhỏ đều đến tận nơi sản xuất để mua. Thế nhưng, để sản xuất ổn định thì vấn đề thương hiệu được nhiều hộ quan tâm, lo lắng. Ông Dương Thế Trung (tổ 15) nói: “Chúng tôi làm giá có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hẳn hoi. Hồi có tin đồn, đoàn kiểm tra xuống lấy mẫu xét nghiệm không phát hiện chất độc hại gì, nhưng cũng bị mang tiếng. Nguyện vọng của chúng tôi là mong các cơ quan chức năng sớm xây dựng thương hiệu cho làng giá Nghi An…”.
Lo với nỗi lo của người làm giá, bà Hoàng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát cho hay, sau khi có tin đồn nhiều hộ làm giá bị tổn thất về kinh tế, Hội đã kiến nghị hỗ trợ vay vốn để nông dân yên tâm sản xuất. Sắp tới, phường sẽ có buổi gặp mặt các hộ làm giá để tiến tới đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho 15 hộ này. Năm 2014, Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho những hộ làm giá ở Nghi An.
Được biết, tháng 2-2013, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng thẩm định Dự án Đầu tư phát triển làng nghề giá nước Nghi An. Tuy nhiên, đến nay việc xem xét cho vay đối với dự án từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác cho ngân hàng vẫn chưa được giải quyết. Thiết nghĩ, việc tạo điều kiện về nguồn vốn cũng như xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm địa phương sẽ sớm giúp làng giá Nghi An có chỗ đứng trên thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh và tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH