.
Lao đao vì dự án "treo"

Bài 2: Không để đất "chết"

.

(ĐNĐT) - Trong khi người dân thiếu đất sản xuất thì trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang để cỏ mọc vì những dự án (DA) "treo". Quyết không để đất "chết", vừa qua, không ít địa phương đã nghĩ ra kế mượn đất DA "treo" cho nông dân sản xuất, tăng thu nhập.

Thấy DA “treo” cũng “sốt ruột”!

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho biết, tốc độ đô thị hóa đã biến Hòa Xuân từ vùng đất nông nghiệp trở thành vùng đất đô thị hoàn toàn. Hầu hết diện tích đất trên địa bàn đã được quy hoạch để triển khai các DA của Trung ương và địa phương. Thống kê cho thấy, phường hiện có đến 15 DA được triển khai với tổng diện tích đất quy hoạch lên tới 1.200 ha, trong đó 13 DA đã được thực hiện, còn lại 2 DA với tổng diện tích đất quy hoạch 150 ha gồm DA Khu dự trữ ven sông Cẩm Lệ, Nam Hòa Xuân và DA Khu liên hợp TDTT giai đoạn 2. Hai DA này đang được triển khai dở dang và đành phải tạm dừng vì thiếu nguồn vốn. Cũng vì vậy, hàng trăm ha đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang. Trong khi đó, người dân ở Hòa Xuân trước đây làm nông nghiệp là chính, khi chuyển về nơi ở mới không còn đất sản xuất, việc chuyển đổi ngành nghề lại chẳng dễ dàng gì nên bà con nơi đây gặp không ít khó khăn. "Thấy đất bỏ hoang nhiều quá, dân lại không có đất sản xuất, địa phương cũng "sốt ruột" lắm, nhưng đành chịu vì phường đã nhiều lần gửi văn bản hối thúc chủ đầu tư sớm triển khai DA mà chẳng thấy phản ứng gì", ông Toàn nói.

Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho Hội Nông dân được mượn, thuê đất của các DA chưa triển khai để giao cho người dân sản xuất. Việc làm này vừa tránh lãng phí đất đai, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, giảm thất nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến các dự án. Thành phố cũng đề nghị  nông dân canh tác các loại cây, con ngắn ngày và khi dự án triển khai thì phải trả lại đất cho thành phố".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết

“Tấc đất tấc vàng”, nhưng nếu cứ để đất “chết”, dân cũng lao đao theo, vì vậy, vừa qua, UBND phường Hòa Xuân đã mạnh dạn đề nghị với quận và thành phố việc mượn đất các DA chưa triển khai giao cho đoàn thể địa phương quản lý, sử dụng để trồng trọt. Ngoài ra, phường Hòa Xuân cũng đề nghị thành phố cho dân mượn gần 80.000m2 đất tại 4 hồ điều tiết trên địa bàn phường để trồng cây cảnh, hòa màu.

Tháng 5-2013, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đồng ý. Theo đó, bước đầu UBND phường Hòa Xuân đã giao cho Hội Nông dân phường triển khai thực hiện thí điểm tại khu vực đất dự án Hồ điều tiết nước E2 mở rộng. Theo cam kết, người dân chỉ được trồng các loại hoa, cây ăn quả, cây cảnh..., khi thành phố có nhu cầu sử dụng đất thì phải sớm bàn giao, trả lại mặt bằng.

Mừng vì có đất - có nghề

Ông Phạm Đức Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân cho biết, bên cạnh việc kiến nghị thành phố cho nông dân mượn đất ở các DA “treo” để sản xuất, tăng thu nhập, Hội Nông dân phường cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy nghề cho bà con nông dân. Tính từ năm 2010 đến nay, Hội đã mở 5 lớp dạy trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, thu hút gần 200 hội viên tham gia. Để các học viên vừa học vừa thực hành, tiếp thu kiến thức nhanh, có kinh nghiệm thực tế, đồng thời có thêm thu nhập, Hội Nông dân đã nhận 4ha đất quanh hồ điều tiết nước, giao cho 11 hội viên tổ chức canh tác cây, hoa. Được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư 10 triệu đồng để kéo điện ra tận nơi sản xuất, hầu hết hội viên được mượn đất đã đầu tư công sức, tiền bạc để triển khai trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái…

da
Nông dân phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) dọn đất vừa được cho mượn để trồng hoa

Đang loay hoay với mảnh đất vừa được Hội Nông dân phường Hòa Xuân đứng ra bảo lãnh cho mượn, ông Nguyễn Văn Ái (tổ 9, phường Hoà Xuân) phấn khởi chia sẻ: “Vừa mới tốt nghiệp khóa học trồng hoa, trồng cây cảnh do Hội Nông dân phường tổ chức, giờ lại được Hội đứng ra bảo lãnh cho mượn đất để canh tác, quả là may mắn. Có đất, lại có nghề sẽ chẳng phải lo thất nghiệp nữa rồi! Tôi đang tính, trồng cây gì cho phù hợp với thời tiết cũng như giá trị, năng suất mang lại. Nhưng có lẽ trồng cây ngắn ngày là hợp lý nhất, bởi đây chỉ là đất mượn chứ không phải đất của mình nên thành phố thu hồi lúc nào phải trả lúc đó”.

Cùng tâm trạng như ông Ái, gia đình nhà bà Trước ở tổ 2, phường Hoà Xuân cho hay: “Khi nhận thông báo được mượn đất DA, có sẵn nghề trồng hoa trong tay là gia đình tôi triển khai trồng liền. Hy vọng trời không phụ nhà nông, vụ hoa sắp đến gia đình tôi sẽ có thêm một nguồn thu nhập từ đất đai bỏ hoang mấy năm trời”.

Cách làm mượn đất của các DA “treo” cho người dân sản xuất, xuất phát từ phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố - nơi có nhiều DA “treo” - áp dụng. Riêng ở quận Liên Chiểu, hiện cũng có trên 61 ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Trong đó, đất nông nghiệp bỏ hoang ngoài dự án 14ha, bỏ hoang trong dự án hơn 46 ha. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, việc nông dân thuê và mượn đất còn bỏ hoang trong và ngoài các dự án vừa tránh lãng phí đất đai, vừa giúp nông dân có điều kiện canh tác, nâng cao thu nhập, tránh thất nghiệp, phát sinh các tệ nạn xã hội. Và để giúp cho các hộ nông có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập, UBND quận đã yêu cầu Hội Nông dân quận lập các phương án đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện cho thuê hoặc mượn đất còn bỏ hoang trong và ngoài dự án trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng có nơi người dân trực tiếp đứng ra mượn hoặc thuê đất để sản xuất. Ông Khóa, ở khu dân cư Đồng Xuân, phường An Khê, quận Thanh Khê cho biết: “Cả gia đình đều làm nông nên nhìn thấy đất bỏ hoang là chẳng ngủ được. Nhờ sự vận động từ Hội Nông dân phường, gia đình tôi đã mạnh dạn liên hệ với đơn vị có đất, thuê 3ha với giá hữu nghị 50.000 đồng/sào/năm. Toàn bộ diện tích này tôi trồng rau, chuối…, thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải chi tiêu trong gia đình".

Được biết, mấy tháng nay, thấy gia đình ông Khóa khai thác đất hoang hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở phường An Khê cũng liên hệ thuê đất các DA chưa sử dụng để sản xuất, nhất là khu vực quanh sân bay Đà Nẵng. Đa phần bà con đều có nguyện vọng nếu đất không hoặc chưa triển khai DA, các đơn vị đang “sở hữu” đất hãy cho bà con mượn hoặc thuê với giá rẻ để tạo điều kiện cho người dân có việc làm cũng như kiếm thêm thu nhập.   

Theo Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, đến thời điểm này, các Hội Nông dân ở các quận, huyện đã vận động gần 800 lượt hộ nông dân tận dụng gần 170.000m2 đất Nhà nước đã thu hồi nhưng chưa triển khai các DA để sản xuất. Nhờ đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi, tạo ra giá trị kinh tế không hề nhỏ.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

 

;
.
.
.
.
.