.

Lo lắng với sữa ngoại nghi nhiễm khuẩn

.

(ĐNĐT) - Thông tin sữa của hãng Fonterra - New Zealand bị nghi nhiễm độc khiến các bậc phụ huynh lo lắng khi chọn sản phẩm sữa cho con em mình.

Bất an với sữa ngoại

Sau khi thông tin các sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ 1-3 tuổi) của New Zealand nghi vấn nhiễm độc được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay lập tức tại thị trường Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty TNHH dinh dưỡng 3 A Việt Nam tại Đà Nẵng (đơn vị nhập khẩu sản phẩm sữa này) đã “kéo quân” đến các đại lý sữa thu hồi toàn bộ sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q mà trước đó công ty đã tung ra thị trường.

Ghi nhận tại các đại lý sữa trên địa bàn thành phố vào sáng 5-8 cho thấy, hầu hết các sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ 1-3 tuổi, được đóng hộp 400g và 900g) đã không còn được bày trên các kệ của đại lý. Chị Lê Thị Đại, chủ cửa hàng kinh doanh các sản phẩm sữa và bánh kẹo trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Mặc dù sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q được cửa hàng mới nhập về nhưng đã có khá nhiều khách hàng hỏi mua dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, khi biết được thông tin loại sữa này bị nghi nhiễm khuẩn thì chẳng có một khách hàng nào ngó ngàng tới. Ngay cả đại lý bán sữa, nhưng chúng tôi cũng không biết thông tin về sản phẩm sữa này bị nhiễm khuẩn. Chỉ đến sáng hôm qua (4-8), nhân viên của hãng sữa này đến cửa hàng “đột ngột” thu hồi toàn bộ số hộp sữa thuộc dòng nói trên thì mới biết sản phẩm sữa này bị nghi nhiễm khuẩn”.

Khi biết được thông tin nhiều sản phẩm sữa ngoại nghi nhiễm độc, không ít người tiêu dùng đã chọn sản phẩm sữa Việt cho con em mình. (Ảnh minh họa)
Khi biết được thông tin nhiều sản phẩm sữa ngoại nghi nhiễm độc, không ít người tiêu dùng đã chọn sản phẩm sữa Việt cho con em mình. (Ảnh minh họa)

Tương tự, chị Liên - chủ đại lý sữa trên địa bàn quận Hải Châu, cho biết toàn bộ sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q loại 400 g và 900 g được đại lý nhập về trước đó đã được nhân viên của hãng thu hồi vào trưa 4-8. “Chúng tôi mới nhập sản phẩm sữa này về được một ngày thì hôm sau nhân viên của hãng sữa đã đến thu hồi lại toàn bộ. Hỏi nguyên nhân sao lại phải thu hồi thì chẳng nhận được câu giải thích rõ ràng. Chỉ đến khi đọc báo mới biết hóa ra loại sữa này bị nghi nhiễm khuẩn”, chị Liên cho hay.

Trong khi các đại lý sữa khá bất ngờ trước thông tin sản phẩm sữa ngoại với thương hiệu nổi tiếng lại bị nghi nhiễm khuẩn, thì người tiêu dùng tỏ ra hết sức bực bội. "Ngay cả đơn vị trong nước nhập sữa về mà cũng không đảm bảo như vậy thì người tiêu dùng biết tin vào đâu", chị Lê Ái Quyên, có hai con nhỏ ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc nói.

Không ít người tiêu dùng còn cảm thấy hoang mang và lo lắng. Chị Nguyễn Thị Lan, quận Liên Chiểu cho biết từ trước đến nay, chị thường mua sữa ngoại cho con sử dụng, nhưng khi đi kiểm tra sức khỏe bé vẫn không tăng cân. Trước khi cho con uống sữa ngoại, chị đã tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm và tin tưởng bởi có doanh nghiệp phân phối ở Việt Nam. Thế nhưng, sau khi thông tin nhiều sản phẩm sữa ngoại bị nghi nhiễm độc, chị có ý định sẽ chuyển sang mua sữa Việt về dùng.

 “Lỡ mua có thể đổi lại”

Đây là khẳng định của ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH dinh dưỡng 3 A Việt Nam khi trao đổi qua điện thoại với phóng viên ĐNĐT. Ông Vương cho biết, tất cả khách hàng đã lỡ mua sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (hộp 400g và 900g) nếu chưa dùng hay đã lỡ mở nắp có thể đến chính đại lý đã mua để đổi lại. Nếu đại lý nào từ chối đổi lại sản phẩm, khách hàng có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của công ty để được tư vẫn hỗ trợ. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Các sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (hộp 400 và 900g) được công ty bán ra tại thị trường Đà Nẵng đã được thu hồi hết chưa? Ông Vương cho biết con số cụ thể của từng địa phương thì ông chưa nắm rõ. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều hôm qua, công ty đã thu về 10.200 thùng, trong khi đó số lượng bán ra đối với loại sữa này trên cả nước là hơn 12.000 thùng.  

Trước đó, ngày 3-8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam yêu cầu dừng lưu thông và tiến hành thu hồi sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q. Đây là sản phẩm của Công ty Abbott sản xuất theo hợp đồng bởi Công ty Fonterra - New Zealand (công ty có sản phẩm Whey Protein bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Ả Rập Saudi). Đồng thời, Cục ATTP cũng chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nói trên. Được biết, triệu chứng nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum được mô tả là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và sau đó là co giật, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đến ngày 4-8, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, tiếp tục yêu cầu Abbott tại Việt Nam và nhà nhập khẩu sản phẩm dinh dưỡng Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ 1-3 tuổi, loại hộp 400 g và 900 g) khẩn trương triển khai thu hồi sản phẩm. Ông Trung cho biết theo thông báo từ đơn vị nhập khẩu, 10 lô sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nghi ngờ có nhiễm Clostridium Botulinum nhập về Việt Nam từ ngày 17-6 đều đã được phân phối ra thị trường.

Ngày 4-8, Cục ATTP - Bộ Y tế  tiếp tục có công văn cảnh báo về sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare có chứa Whey Protein bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum do Công ty Fonterra New Zealand sản xuất.

Các sản phẩm này bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170, hạn sử dụng ngày 17-6-2016 và 18-6-2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183, hạn sử dụng 31-12-2014. Các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutricia tự nguyện thu hồi.

Tại Việt Nam, sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia được công bố tại Cục ATTP lưu hành từ năm 2012. Tuy nhiên, theo rà soát của Cục ATTP, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi được công bố tại Cục. Dù vậy, Cục ATTP vẫn yêu cầu Công ty TNHH MTV dinh dưỡng Châu Úc (đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam) khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về Cục ATTP trước ngày 6-8.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.