Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) ở quận Liên Chiểu phát triển mạnh, tạo việc làm cho nhiều nông dân sau giải tỏa, thiết thực góp phần hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội.
Ông Chỉnh trong một ngăn chuồng nuôi heo rừng. |
Trại nuôi heo rừng của ông Nguyễn Hữu Chỉnh ở ven núi Đà Sơn, thuộc tổ 159, phường Hòa Khánh Nam. Ông Chỉnh nuôi heo rừng từ năm 2009, với phương pháp kết hợp nuôi chuồng và thả rông. “Heo rừng nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-12 con, heo con 2 tháng tuổi, nặng khoảng 10kg, hiện có giá bán 1,5 triệu đồng/con, thương lái đến tận nơi mua”, ông Chỉnh bộc bạch.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thành (ở tổ 32, phường Hòa Khánh Bắc) nổi bật với mô hình nuôi kỳ đà. Bà xây dựng chuồng trại với nhiều hang hốc, gốc cây, mô đá, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của kỳ đà. Bà Thanh cho biết, kỳ đà thường ăn các loại trái cây như ổi, cốc, các loại vật nhỏ như ếch, nhái và thịt động vật tươi sống. Bình quân, mỗi quý bà bán được 15 con kỳ đà, mỗi con từ 1-1,2 triệu đồng và được một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội nhận tiêu thụ sản phẩm dài hạn...
Theo quy định, nuôi ĐVHD phải làm thủ tục đăng ký và khi bán ĐVHD cũng phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Mọi thủ tục đều được các cơ quan chức năng giải quyết thuận lợi, trên cơ sở bảo đảm diện tích, không gian, vệ sinh môi trường và không thuộc các loài vật mà Nhà nước cấm nuôi. Ông Nguyễn Thanh Bê, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu, cho biết chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển nghề nuôi các loại ĐVHD thông thường như nhím, kỳ đà, heo rừng, chim trĩ và đây là một hướng phát triển nghề mới cho bà con nông dân, nhất là các hộ trong diện quy hoạch, giải tỏa.
Chi hội trưởng nuôi ĐVHD quận Liên Chiểu Trần Văn Thưởng cho biết, chi hội được thành lập vào tháng 7-2013, với 28 hội viên tham gia, hội viên được hỗ trợ về thủ tục vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, những hội viên có đề án khả thi sẽ được giải quyết cho vay vốn ưu đãi để phát triển quy mô chăn nuôi.
Ở Liên Chiểu, có nhiều hộ cùng lúc nuôi nhiều loại ĐVHD nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn, ông Nguyễn Ngọc Lan (ở tổ 7, phường Hòa Hiệp Nam) vừa nuôi nhím, vừa nuôi heo rừng, đạt thu nhập cao. Bên cạnh đó, kết hợp nuôi heo rừng với nuôi cá, trồng rừng, ông Phan Công Lễ đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động và tích cực đóng góp cho các hoạt động vì người nghèo của địa phương…
Nhằm giúp nông dân phát triển nghề nuôi ĐVHD, Hội Nông dân quận Liên Chiểu đã xây dựng Đề án “Phát triển sinh sản, sinh trưởng trong chăn nuôi ĐVHD”. Theo đó, nuôi ĐVHD thực hiện theo quy trình 5 bước: xây dựng chuồng trại tốt, chọn giống tốt, chăm sóc - nuôi dưỡng tốt, vệ sinh phòng dịch tốt, thức ăn bảo đảm số lượng và chất lượng. Theo Đề án này, Hội Nông dân quận phối hợp với các cơ quan chức năng giúp các hộ nuôi ĐVHD tăng cường năng lực công tác thú y và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế…, qua đó đã giúp nhiều nông dân sau giải tỏa có được nghề mới để phát triển sản xuất, đem lại thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM