.

Quan hệ lao động tại doanh nghiệp ổn định hơn

.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn”, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng ổn định hơn.

Quan hệ lao động ổn định là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng.
Quan hệ lao động ổn định là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng.

Để Chỉ thị 22-CT/TW đi vào thực tiễn, trong những năm qua, Công đoàn các cấp đã tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 12.400 lượt cán bộ, viên chức, lao động; tổ chức 160 lượt hội thi tìm hiểu pháp luật với sự tham gia của hơn 700 Công đoàn cơ sở (CĐCS); thực hiện hơn 130 phóng sự, hơn 1.250 tin, bài, gần 250 lần trả lời chính sách pháp luật trên chuyên mục Lao động và Công đoàn trên Báo Đà Nẵng; in ấn, phát hành đến công nhân, lao động 21.000 tờ gấp, tờ rơi và 120.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật… Công tác phối hợp với chính quyền xây dựng chính sách lao động, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể được đẩy mạnh. Đến nay, 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước xây dựng quy chế phối hợp giữa Công đoàn và chính quyền; 387/526 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn có Thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 73%.

Thông qua đại hội công nhân, viên chức; hội nghị cán bộ, công chức; hội nghị người lao động… đã tạo điều kiện để người lao động phát huy dân chủ cơ sở; tham gia xây dựng nội quy, quy chế; kiến nghị sửa đổi, thực hiện các chế độ chính sách và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Công tác phối hợp, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động được Công đoàn các cấp duy trì thường xuyên đã góp phần phát hiện các sai phạm, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật, chế độ chính sách cho người lao động; từ đó kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời xử lý, khắc phục và hoàn thiện. Đặc biệt, Công đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thành lập CĐCS; nhờ đó, từ 2008 đến nay, số CĐCS doanh nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố tăng từ 204 CĐCS (năm 2008) lên 554 CĐCS (tháng 6-2013). Đây chính là cơ sở quan trọng để triển khai các nội dung của Chỉ thị 22-CT/TW đến chủ doanh nghiệp và người lao động. Với nỗ lực của Công đoàn các cấp, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động nên các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, các vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát đã được hạn chế đến mức thấp nhất (từ năm 1991-2008 xảy ra 52 vụ tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc; từ năm 2009 đến nay chỉ còn 17 vụ; trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 2 vụ).

Với vai trò là chủ thể trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công tự phát, thời gian đến Công đoàn các cấp cần tiếp tục bám sát cơ sở, thực hiện phương châm “lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng hoạt động”; hướng dẫn Công đoàn cơ sở xây dựng, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động và đặc biệt là phải thành lập được CĐCS tại doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc bảo vệ, chăm lo quyền lợi cho người lao động. Có thực hiện tốt được những vấn đề đó, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mới thực sự hài hòa, ổn định, tiến bộ.

PHAN SÁNG

;
.
.
.
.
.