Đà Nẵng tuy không “nóng” về hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm quy mô lớn, nhưng không vì thế mà các ngành chức năng chủ quan.
Các mặt hàng giả bị phát hiện thuộc nhiều chủng loại. |
Thủ đoạn khó lường
Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây là các hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đó là buôn lậu khoáng sản thô chưa qua chế biến, chủ yếu titan, sắt diễn ra với thủ đoạn phức tạp, tinh vi hơn. Đặc biệt là lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất xăng dầu nhưng thực chất không tái xuất mà vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, khai báo không đúng số lượng; buôn lậu gỗ với khối lượng lớn; vận chuyển ma túy qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây với khối lượng lớn; nhập xe theo diện Việt kiều hồi hương về cảng Đà Nẵng. Cùng đó, tình hình vận chuyển hàng hóa trái phép và buôn lậu trên biển từ đầu năm đến nay cũng diễn biến phức tạp.
Đại tá Lê Văn Phúc, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Biên phòng đã phát hiện 14 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 1 vụ hàng giả; khởi tố hình sự 29 bị can, thu giữ tang vật gần 295,5g ma túy tổng hợp, 3,5g heroin, 3 tấn titan, hơn 3 tấn bột ngọt giả mạo… Hiện nay, đã xuất hiện nhiều băng nhóm núp bóng doanh nghiệp buôn lậu bằng hình thức thành lập “công ty ma” thuê người nghiện, đối tượng hình sự làm giám đốc để ký hợp đồng khống mua bán, vận chuyển khoáng sản nội địa chủ yếu đi các tỉnh phía Bắc, nhưng thực chất lợi dụng đêm tối chở vượt biên sang Trung Quốc tiêu thụ. Loại tội phạm buôn lậu còn thuê người nằm vùng ở khu vực tàu đơn vị Biên phòng đóng quân để cảnh giới cho đồng bọn trong quá trình xuất lậu quặng. Chúng lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất… để lách luật hoạt động.
Qua các vụ kiểm tra của Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, các mặt hàng giả đã được phát hiện trên địa bàn trong thời gian qua thuộc nhiều chủng loại, trong đó nổi lên là các nhãn hàng mũ bảo hiểm, quần áo, túi xách, giày dép, mắt kính, dây nịt, phụ liệu may, mỹ phẩm, thuốc tây… Kiểm tra tại các chợ và cửa hàng, các đội chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng giả, hàng kém chất lượng. Phần lớn hàng hóa giả mạo thường có xuất xứ nước ngoài, đồng thời cũng là hàng không chứng từ hợp pháp, chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng thông thường và thời trang. Các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm đa số đều có tem chống hàng giả nhưng đây lại là tem giả. “Đáng chú ý hơn cả, đối tượng buôn lậu bằng đường bộ sử dụng những người nghiện ma túy làm tài xế vận chuyển hàng hóa. Chúng sẵn sàng hù dọa, tấn công lại lực lượng chức năng khi bị bắt hàng”, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cho biết.
Phối hợp chưa đồng bộ
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố (Ban chỉ đạo 127), trong số gần 6.000 vụ kiểm tra thì đã có trên một nửa số vụ có vi phạm (xử lý 3.672 vụ, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2012), tăng cao nhất là các hành vi có liên quan đến hàng cấm và hàng lậu (tăng 94%) với hơn 160 vụ; hàng giả, hàng kém chất lượng tăng 58%; vi phạm về giá, niêm yết giá và các hành vi khác (tăng 102%)... Điều này cho thấy tình trạng vi phạm và gian lận thương mại vẫn diễn biến khó lường, phức tạp và không ngừng gia tăng.
Ông Kiều Thế Phong, Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng nhìn nhận: “Đối với hoạt động mua bán hàng nông, lâm, thủy sản, có hiện tượng sử dụng hóa đơn quay vòng, hóa đơn của các doanh nghiệp ngoại tỉnh không có trụ sở tại vùng nguyên liệu để chiếm dụng thuế. Hiện còn có quá nhiều kẽ hở trong các quy định, luật, chính sách quản lý tạo khe hở cho hành vi vi phạm gia tăng. Trong khi đó, cơ quan thuế không có chức năng tịch thu hay đình chỉ sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả của việc giám sát không cao. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các đơn vị thành viên 127 để tăng tính hiệu quả cho công tác”.
Trao đổi về công tác phối hợp hoạt động, Đại tá Lâm Cao Luynh, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho hay: “Công tác phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả giữa các đơn vị là rất quan trọng, nhưng cần phải có nguồn tin chính xác để tăng hiệu quả”. Ông Luynh dẫn chứng, 6 tháng đầu năm nay lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng dừng 453 lượt xe để kiểm tra nhưng chỉ có một nửa vi phạm. Một số trường hợp, vụ việc, cần có lực lượng QLTT phối hợp với Cảnh sát Kinh tế để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ cho công tác kiểm tra, điều tra chính xác hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT cho rằng: “Công tác kiểm tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng cũng chưa thật sự mạnh dạn tẩy chay triệt để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ngay cả các doanh nghiệp khi bị làm hàng giả, hàng nhái cũng không thông tin với cơ quan chức năng”. Thực tế, trong công tác tuyên truyền, Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Đà Nẵng (thành viên BCĐ 127/TP) vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc lấy nguồn tin, phản ánh kịp thời các vụ việc, hành vi vi phạm trên địa bàn.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH