Nghị quyết 19/2008/QH12 ngày 3-6-2008 quy định chương trình thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; quy định sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2013. Bộ Xây dựng đang soạn thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có đề cập nội dung vào luật: “Tất cả người nước ngoài có visa vào cư trú Việt Nam từ 3 tháng (90 ngày) trở lên đều có điều kiện được mua, sở hữu nhiều nhà dài hạn tại Việt Nam”.
Nhu cầu mua nhà ở trong nước đối với người nước ngoài chưa phải là giải pháp “phá băng” BĐS hiện nay. |
Đây là nội dung chính tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23-8. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội thảo. Hội thảo góp ý lần này là cơ sở để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ thông qua trong tháng 12-2013 và Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 7 năm 2014.
Khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Nhu cầu mua nhà ở trong nước của người Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào) là rất lớn và dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tiếp cận BĐS trong nước. Để bảo đảm quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Công an, các địa phương cùng vào cuộc gỡ khó việc xác nhận quốc tịch cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định: Nội dung sửa đổi này được xem cởi mở nhất, tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, đối tượng mua, kinh doanh nhà ở Việt Nam không chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mà mở rộng các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh DN nước ngoài, văn phòng đại diện các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cá nhân người nước ngoài được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua, sở hữu căn hộ, nhà liền kề, biệt thự. Trường hợp đầu tư kinh doanh nhà, tổ chức, cá nhân người nước ngoài có thêm giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án.
Theo ông Khởi, dự thảo luật sửa đổi lần này tăng số lượng, thời hạn sở hữu nhà Việt Nam cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài theo hướng được sở hữu tối đa 2 nhà ở thương mại (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) trong dự án phát triển nhà ở thương mại. Thời hạn sở hữu 50 năm và được gia hạn một lần tiếp theo lên đến 50 năm. Trường hợp mua nhà ở riêng lẻ được mua tới tổng diện tích 500m2. Đồng thời, bổ sung một số quyền sở hữu, mua, bán, tặng, cho nhà ở.... Đặc biệt là cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư để khai thác, cho thuê nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình; được bồi thường thiệt hại, tái định cư khi bị giải tỏa, thu hồi. Cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức quy định hiện hành...
Chưa là giải pháp phá băng thị trường BĐS hiện nay
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng Đàm Quang Tuấn nhận định: Dự thảo được thông qua sẽ làm tăng thêm một nguồn cầu mới, nhiều tiềm năng và định vị giá trị cho BĐS trong nước và Đà Nẵng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho hay, để phòng ngừa phát sinh thực tế, dự thảo luật cũng có những ràng buộc thêm một số nghĩa vụ đối với người nước ngoài như: Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được vay vốn các tổ chức tín dụng ở Việt Nam để mua nhà ở; số lượng mua không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Trường hợp mua nhà ở riêng lẻ trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường không được mua quá 250 căn nhà.
Là nhà phân phối BĐS quốc tế, bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc Phòng Tư vấn nghiên cứu và phát triển CBRE khẳng định, không nên xem nguồn cầu từ người nước ngoài là một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng nhằm giảm tải cho một thị trường đang thừa nguồn cung như hiện nay. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi sau khi thông qua sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam nhưng không thể trở thành nguồn vốn chính cho Việt Nam. Bà Dung cho biết thêm: “Kiều bào và người nước ngoài nên được xem là một nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường BĐS đã phát triển của Việt Nam chứ không hẳn là biện pháp để “phá băng” BĐS hiện nay. Họ tham gia thị trường BĐS khi thấy thị trường này hồi phục và chính các nền kinh tế ở nước ngoài cũng hồi phục trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.
Đến hết quý 2-2013, cả nước có 101 trường hợp cá nhân và 25 tổ chức nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam trong số 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chưa tính số lượng kiều bào có nhu cầu mua nhà ở. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG