7 tháng đầu năm 2013, mặc dù nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến khả quan, nhưng nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt... Khó khăn trên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các DN.
Hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp tại Cục Thuế thành phố. |
Để hoàn thành số thu ở mức cao nhất, ngành Thuế thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung giải quyết nợ đọng thuế là một trong những giải pháp trọng tâm từ nay đến hết năm 2013. Ông Lưu Đức Sáu, Cục phó Cục Thuế thành phố cho biết, mục tiêu của ngành Thuế đặt ra trong năm 2013 là đưa ngưỡng nợ thuế về 5% trên tổng số thu ngân sách. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này không đơn giản đối với ngành Thuế, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Cùng với đó, là sự phụ thuộc vào ý thức tự giác, tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế từ người nộp thuế.
Thời gian qua, Cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh công tác quản lý nợ thông qua việc giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị; thực hiện rà soát, phân loại nợ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế; tổ chức các biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế nợ thu, thành lập các tổ thu nợ đọng. Tuy nhiên, đến 30-6-2013, tổng số tiền thu nợ mới đạt 592,133 tỷ đồng; trong đó thu nợ từ năm 2012 chuyển sang 382 tỷ đồng, thu nợ phát sinh 2013 là 210,2 tỷ đồng.
Nhìn chung, tuy có chuyển biến trong thu hồi nợ thuế, nhưng kết quả thu còn thấp và vẫn chưa tác động mạnh đến người nộp thuế. Đặc biệt, số nợ thuế đến nay vẫn còn ở ngưỡng khá cao, nhất là nợ tiền sử dụng đất, với tổng số nợ lên đến trên 3.380 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng là khoản nợ của các dự án mà chính quyền đã bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Số còn lại hơn 1.529 tỷ đồng của 11.668 hộ dân tái định cư.
Theo ông Nguyễn Sắc, Trưởng phòng Truyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế thành phố), một trong những biện pháp triển khai trong thời gian tới của ngành Thuế thành phố là thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nợ thuế, xử lý kịp thời nợ chờ điều chỉnh, nợ ảo. Tập trung vào một số mặt cụ thể như thực hiện và triển khai tốt quy trình quản lý nợ thuế, rà soát và đôn đốc người nộp thuế nộp kịp thời các khoản nợ hết thời hạn gia hạn; có biện pháp mạnh để thu hồi số thuế nợ đọng trong năm 2012, hạn chế số nợ phát sinh trong năm 2013. Áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (trước đây là biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn) và tính tiền chậm nộp 0,7% nếu nộp chậm tiền thuế sau 90 ngày theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1-7-2013.
Lực lượng chủ công của công tác thu nợ đọng thuế là hoạt động của các đoàn/tổ công tác đôn đốc nợ đọng thuế ở Cục Thuế cũng như các địa phương. Đi vào hoạt động từ năm 2012, đoàn/tổ công tác đã trực tiếp đến làm việc tại các DN cho thấy đã có những tác động tích cực trong công tác thu hồi nợ thuế. Theo kế hoạch, đoàn/tổ đôn đốc nợ đọng sẽ tiếp tục làm việc với các DN còn nợ thuế lớn và nợ thuế chây ì; đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để thu hồi các khoản nợ thuế. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, để trên cơ sở đó có biện pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN.
Lãnh đạo ngành Thuế cũng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung lực lượng và siết chặt quản lý việc thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm thu hồi kịp thời số nợ thuế vào ngân sách Nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ thuế mới phát sinh.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN