.

Thị trường thức ăn nhanh: Cuộc đua của doanh nghiệp ngoại

.

(ĐNĐT) - Chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2007 trở lại đây), các “đại gia” ngoại kinh doanh loại hình thức ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới đã thi nhau có mặt tại Đà Nẵng và tạo sức hút không hề nhỏ với thực khách, đặc biệt là giới trẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại đứng ngoài “cuộc chơi” và nếu có cũng chưa đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Hai
Hai "ông lớn" trong ngành thức ăn nhanh luôn chọn vị trí đẹp để mở cửa hàng.

Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 5 chi nhánh công ty đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống, gồm: KFC, Jolibee, Lotteria, Paris Baguette và Bánh ngọt CJ. Trong đó, chỉ trong một thời gian ngắn, KFC đã mở 6 cửa hàng, Jolibee 2 cửa hàng, Lotteria 5 cửa hàng, Paris Baguette và Bánh ngọt CJ mỗi đơn vị 1 cửa hàng. Ngoài các doanh nghiệp trên đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, gần đây, một số thương hiệu lớn như McDonald’s, Burger King, Starbucks… cũng vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương mại.

Các cửa hàng thức ăn nhanh này đều hoạt động gắn với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí hoặc có mặt ở các vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố nên nhanh chóng “làm quen” và thu hút người tiêu dùng; trong đó, đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ và khách nước ngoài. “Họ (doanh nghiệp ngoại-PV) nhằm vào giới trẻ. Họ biết khơi dậy, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của giới trẻ nên thu hút ngay đối tượng này. Trong khi đó, doanh nghiệp nội chưa làm được như vậy”, bà Võ Thị Hà Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại thuộc Sở Công thương cho biết.

Có thể nói, nhìn một cách tổng quan, điểm mạnh của các cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu nước ngoài là ở vị trí đắc địa, trang trí rất bắt mắt, đa phần các món ăn được chế biến từ thịt gà với khẩu vị châu Âu, trở thành điểm lạ thu hút giới trẻ. Chị Hồ Thị Lụa (quận Hải Châu), khách hàng thường xuyên của Lotteria hào hứng: “Tôi rất thích những món ăn “Fast food” kiểu này, hương vị lạ, ngon, lại hợp vệ sinh, cung cách phục vụ theo tiêu chuẩn nước ngoài nên rất chu đáo”. Còn chị Ngô Thị Ái Trinh (quận Hải Châu) thì rất thích cùng bạn bè đến những quán thức ăn nhanh kiểu này, bởi không chỉ có gà rán, mà các cửa hàng thức ăn nhanh còn có khoai tây chiên, hamburger, các loại kem… “Đặc biệt, các cửa hàng thức ăn nhanh thường đặt ở vị trí đẹp, có điều hòa không khí nên vừa ngồi ăn, chúng tôi có thể thư giãn, ngắm cảnh phố xá, người qua lại và trò chuyện mê mải cũng chẳng ai phàn nàn gì”, chị Trinh chia sẻ.

“Vắng” doanh nghiệp nội

Theo báo cáo của Sở Công thương, tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp trong nước kinh doanh ăn uống dạng thức ăn nhanh như các công ty ĐTNN không nhiều, chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh pizza, thức ăn nhanh với quy mô nhỏ, lẻ… do tư nhân đầu tư. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên viên Phòng Kinh tế - Đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp nội chưa “nhảy” vào thị trường này bởi trước hết do hạn chế về khả năng tài chính. Những doanh nghiệp như KFC, Jolibee đã phải chịu lỗ nhiều năm trời mới có thể gây dựng được thị trường như hôm nay, doanh nghiệp Việt không đủ vốn để làm như vậy. Thứ hai, về trình độ quản lý, các cửa hàng thức ăn nhanh thường hoạt động theo chuỗi hệ thống, doanh nghiệp nội chưa thể quản lý kinh doanh kiểu này. Thứ ba, những “ông lớn” tham gia thị trường thức ăn nhanh hầu như đã phân chia thị trường, có thương hiệu riêng, do đó, doanh nghiệp Việt giờ đây muốn tham gia vào lĩnh vực này phải “chen chân qua cửa rất hẹp”.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước không phải là không có cơ hội ở thị phần này nếu biết tìm ra những món ăn thuần Việt và làm thương hiệu tốt với quy chuẩn tốt. Thêm nữa, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Đà Nẵng đối với sản phẩm thức ăn nhanh vẫn còn hạn chế. “Tôi thấy mức giá trung bình 1 khẩu phần thức ăn nhanh vẫn còn cao so với thu nhập của khá đông người dân Đà Nẵng, nhất là với sinh viên như chúng tôi”, Nguyễn Thị Minh Thảo, sinh viên Trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng cho biết. 

Trong những năm qua, mô hình kinh doanh thức ăn nhanh của các công ty ĐTNN đã góp phần làm đa dạng thêm loại hình ẩm thực của thành phố, phù hợp với sự phát triển của thành phố du lịch. Bên cạnh đó, các công ty này đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thông qua việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nộp ngân sách (thuế, phí…)…Tin rằng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều thương hiệu nổi tiếng trong “làng” thức ăn nhanh có mặt tại Đà Nẵng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách đến thành phố.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.