.

Thị trường tiêu dùng - Hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn

.

Gần một tháng qua kể từ thời điểm giá xăng, dầu, gas, điện được điều chỉnh tăng, nhiều mối lo ngại về việc các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng sẽ “tát nước theo mưa”. Tuy nhiên, nhờ có sự điều chỉnh và  bình ổn thị trường tốt, tác động từ yếu tố tăng giá nhiên liệu vẫn chưa thể gây áp lực lớn cho thị trường hàng hóa tại Đà Nẵng.

Một số siêu thị được giao bình ổn thị trường nên giá bán thấp.
Một số siêu thị được giao bình ổn thị trường nên giá bán thấp.

Có mặt tại các chợ và một số siêu thị sỉ và lẻ trên địa bàn mới thấy nguồn cung cấp cho tiêu dùng khá dồi dào. Từ thực phẩm khô đóng gói đến thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, gạo, đường… không có biến động nhiều về giá. Theo Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, từ đầu năm đến nay, lượng hàng các nơi đổ về chợ vẫn đều và không hề bị đứt đoạn. Chính vì thế, giá cả không bị đội lên như những năm trước đây khi các mặt hàng hết mùa hoặc bị ách tắc giao thông. Ở các chợ trung tâm thành phố như chợ Hàn, giá cả tuy cao hơn nhưng vẫn có kiểm soát nhất định. Đại diện Ban quản lý chợ Hàn cho biết, đợt tăng giá các mặt hàng xăng, dầu, gas, điện vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh của tiểu thương, giá cả ở chợ Hàn vẫn giữ nguyên.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị tăng cường các chương trình khuyến mãi nhiều tháng liền. Ông Trần Bình Long, Giám đốc BigC Đà Nẵng, nhận định: “Hiện sức mua của thị trường vẫn còn rất yếu, chúng tôi phải tăng số lượng các chương trình khuyến mãi, tần suất tổ chức trong năm, tăng số lượng mặt hàng giảm giá… để níu giữ khách hàng nhưng vẫn rất khó khăn, do đó việc tăng giá hàng hóa sẽ khó xảy ra, ít nhất là 1-2 tháng tới”.

Theo Sở Công thương thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8 ước đạt 5.300 tỷ đồng; tính tổng 8 tháng ước 40.470 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8-2013 của Đà Nẵng chỉ tăng 0,31% so với tháng 7, trong đó chỉ số giá nhóm giao thông vận tải tăng cao nhất 1,32%; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng trực tiếp chịu ảnh hưởng của giá điện và giá gas song mức tăng chỉ 0,53%. Nhìn vào bảng thống kê cho thấy, 10/11 nhóm  hàng hóa tính CPI của Đà Nẵng tăng nhưng không đáng kể. Nhóm hàng người tiêu dùng lo ngại sẽ tăng mạnh trong tháng 8 là giáo dục nhưng chỉ tăng nhẹ 0,02% (so với mức tăng trên 10% năm 2012).

Trong tháng 8 và dự kiến tháng 9 sức mua tại các chợ, siêu thị tăng hơn so với tháng trước do bước vào năm học mới và chuẩn bị cho những ngày lễ lớn như Quốc khánh 2-9, Cuộc thi Marathon quốc tế, Tết Trung thu... nên chắc chắn sức mua các mặt hàng theo nhu cầu được đánh giá sẽ mạnh hơn như đồ dùng học tập, thực phẩm, bánh, đồ chơi... Ông Lê Thanh Tú, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, cho hay, dù biết là khi tăng giá nhiên liệu, hàng hóa là mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng Co.op Mart là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ bình ổn thị trường cho nên nhiều mặt hàng thiết yếu còn bán thấp hơn giá thị trường. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ còn nhiều đợt đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ người dân có thu nhập thấp.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng sẽ quyết liệt hơn với công tác kiểm tra kiểm soát, dự đoán chính xác diễn biến thị trường nhằm bảo đảm hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định phục vụ nhân dân.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.