.

Trung tâm thương mại của vùng

.

Từ sau ngày giải phóng đến năm 1984, hạ tầng thương mại Đà Nẵng chỉ có chợ Hàn, chợ Cồn là điểm nhấn đáng chú ý. Đến nay, thành phố đã hình thành một hệ thống thương mại gồm 6 trung tâm thương mại (TTTM) tổng hợp, 35 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp, 126 đơn vị kinh doanh lớn, 27.000 cửa hàng, cửa hiệu chuyên doanh và 86 chợ truyền thống phân phối trên 20.000 mặt hàng các loại.

Đây được xem là cơ sở hạ tầng thương mại chủ lực của Đà Nẵng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2012 toàn thành phố đạt 51.280 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch, tăng 19,7% so với năm 2011.

Các nhà bán lẻ kỳ vọng Đà Nẵng sẽ là thị trường đầy tiềm năng.
Các nhà bán lẻ kỳ vọng Đà Nẵng sẽ là thị trường đầy tiềm năng.

Theo ngành Công thương thành phố, dự kiến năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012. Hoạt động của các cơ sở thương mại trên thị trường Đà Nẵng dần phát triển theo mô hình hiện đại và đang có sức hút rất lớn đối với những nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ.

Cách đây không lâu, tại Hội thảo Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng lần 3, KTS Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Chủ nhiệm khoa Quản lý đô thị, ĐH Kiến trúc Hà Nội, đề xuất: “Đà Nẵng cần xác định vị trí để xây dựng các khu TTTM, có thể đó là hai bên sông Hàn để xây dựng tập trung các tòa nhà cao tầng vừa làm văn phòng vừa là trung tâm mua sắm, nơi tập trung các hoạt động kinh doanh buôn bán sôi động. Chính điều đó sẽ tạo ra một diện mạo đô thị xứng tầm Đà Nẵng”.

Để xứng tầm đô thị loại 1, Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư và xây dựng hàng loạt khu phức hợp thương mại đa chức năng mang tầm cỡ cấp quốc tế như Indochina Riverside, Hoàng Anh-Gia Lai Plaza, Vĩnh Trung Plaza… Trong quy hoạch, thành phố sẽ đầu tư phát triển mới 21 TTTM, bách hóa tổng hợp, siêu thị có quy mô lớn phân bố hợp lý ở các quận, huyện như: dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian, Golden Square, Đà Nẵng Center, TTTM Đa Phước, Đại Siêu thị Hùng Vương, Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu đất mặt tiền các đường Hùng Vương - Ngô Gia Tự - Lê Duẩn - Triệu Nữ Vương (quận Hải Châu), dự án Trung tâm mua sắm Đà Nẵng (Thanh Khê), dự án Siêu thị giá rẻ Liên Chiểu, Khu thương mại Ga mới Đà Nẵng (Liên Chiểu), TTTM Thế giới Đà Nẵng- World Trade Center (Sơn Trà), Siêu thị Bắc Mỹ An, TTTM Ngũ Hành Sơn (Ngũ Hành Sơn), TTTM Hòa Cầm, Khu thương mại bến xe trung tâm, Siêu thị Hòa Xuân (Cẩm Lệ), Siêu thị giá rẻ - Khu Công nghệ cao, Siêu thị Túy Loan, Siêu thị Hòa Sơn, Siêu thị quy mô nhỏ Hòa Tiến (Hòa Vang).

Trước yêu cầu của một thành phố du lịch, Đà Nẵng đã hình thành Khu phố đêm Nguyễn Kim và định hướng phát triển một số tuyến phố chuyên doanh Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành với các dịch vụ: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí. Đường Nguyễn Văn Linh: dịch vụ tài chính. Đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Hùng Vương: phố thời trang; các điểm phân phối, mua bán sản phẩm lưu niệm của thành phố phục vụ khách du lịch tại các khu thương mại và các điểm du lịch. Khu phố buôn bán hàng mỹ nghệ Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.

Đóng góp ý kiến cho Đà Nẵng, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng: “Đà Nẵng phải xây dựng để trở thành trung tâm vùng về thương mại bởi lý do: Đà Nẵng có sân bay quốc tế, có cảng biển lớn, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối thuận lợi. Muốn kinh tế phát triển bền vững, Đà Nẵng phải trở thành TTTM lớn, có trung tâm tiếp nhận hàng hóa quốc tế và trong nước, trung tâm xử lý hàng hóa và hệ thống phân phối cho miền Trung và cả nước. Đà Nẵng sẽ giàu có hơn khi nó trở thành một trung tâm mua sắm hàng hóa mang thương hiệu Đà Nẵng cho khách du lịch trong và ngoài nước”.

Nhìn lại quá khứ, hạ tầng thương mại Đà Nẵng đã nhanh chóng bước qua vạch xuất phát. Nhìn tới tương lai, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ nội lực để sớm biến những định hướng trên thành hiện thực. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân đối với chính quyền địa phương trong nỗ lực xây dựng Đà Nẵng - thành phố đáng sống của Việt Nam.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.