Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai cho vay từ tháng 6-2013 tới ngày 20-9-2013, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 510 khách hàng cá nhân với số tiền là 172 tỷ đồng, đã giải ngân cho 494 khách hàng với số tiền là 115 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Đối với khách hàng doanh nghiệp, đã có 4 DN được ký hợp đồng tín dụng với số tiền 748 tỷ đồng, đã giải ngân được 44,46 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân trên còn khiêm tốn dù các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ phục vụ gói tín dụng đã được xây dựng tương đối rõ ràng, phù hợp, thuận lợi. Để thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cần nhanh chóng xử lý 2 nút thắt chủ yếu.
Thứ nhất, nhanh chóng có quy định hướng dẫn công chứng các hợp đồng giao dịch tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay với các đối tượng được vay mua nhà ở xã hội, tiến tới xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần tiến hành rà soát lại các dự án nhà ở xã hội hiện ghi trong hợp đồng không được phép thế chấp và có giải pháp xử lý để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần rà soát, chỉnh sửa, thống nhất lại các quy định về điều kiện vay vốn liên quan tới quy định về địa giới hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình chưa có nhà ở; quy trình xác định diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình trên địa bàn xã, phường của chính quyền địa phương; phương pháp xác định các thành viên trong hộ gia đình thuộc đối tượng cho vay... nhằm đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản để các ngân hàng thương mại và các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Thứ hai, cần tập trung xử lý khó khăn về nguồn cung nhà ở. Do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.
Hiện Bộ Xây dựng đã gửi danh sách gần 60 dự án thuộc đối tượng được vay vốn theo gói tín dụng hỗ trợ nhà ở; tuy nhiên phần lớn danh mục các dự án nhà ở xã hội này mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xây dựng hoặc chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội để khởi công.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian để hoàn tất các thủ tục này không thể nhanh được. Do đó, các ngân hàng cũng chưa giải ngân được khi doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục.
Để khắc phục, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương cần đẩy nhanh việc xét duyệt và hoàn tất các thủ tục có liên quan cho doanh nghiệp; đẩy nhanh triển khai dự án nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng có đủ điều kiện./.
Theo Ngân hàng Nhà nước