.

Chủ động hàng hóa mùa mưa, bão

.

Nhằm tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả tăng đột biến trong mùa mưa bão, năm nay UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho thị trường khi bão lũ xảy ra .

Co.op Mart đưa hàng bình ổn giá về Hòa Bắc.
Co.op Mart đưa hàng bình ổn giá về Hòa Bắc.

Năm 2013, Sở Công thương Đà Nẵng đã làm việc với 8 đơn vị dự trữ hàng hóa gồm: Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (350 tấn gạo các loại), Chi nhánh Công ty Vissan Đà Nẵng (345 tấn lương thực, thực phẩm), HTX An Hải Đông (200 thùng mì ăn liền, 8 tấn gạo và thực phẩm), Công ty TNHH Đà Nẵng Mễ Cốc (1.500 thùng mì ăn liền, 5 tấn lương thực - thực phẩm khác), Công ty Xăng dầu Quân đội KV 2 (900 lít xăng, 1.100 lít dầu diezen), Công ty Xăng dầu KV 5 (7,7 triệu lít xăng, 6,7 triệu lít dầu diezen, 60.000 lít dầu hỏa, 12.000kg khí hóa lỏng – LPG), Công ty CP Xăng dầu dầu khí PV Oil (6,1triệu lít xăng, 7 triệu lít dầu diezen), Công ty TNHH MTV Kinh doanh khí hóa lỏng miền Trung (100.000 kg LPG); với tổng giá trị trên 616 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Công thương đã xin chủ trương của thành phố để chủ động dự trữ một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo trắng hạt dài Nam Bộ (1.000 tấn), mì ăn liền (500 gói) và 50.000 chai nước uống đóng chai 1,5 lít; tổng trị giá khoảng 12 tỷ đồng. Đối với mặt hàng gạo, Sở đề xuất thành phố hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất bằng 0 để mua gạo dự trữ, bảo quản trong thời hạn 6 tháng; xuất và vận chuyển kịp thời đến các vùng bị lụt, bão. UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đà Nẵng dự trữ 1.000 tấn gạo.

Tuy nhiên, từ thực tế những đợt bão trước đây, nhu cầu thị trường đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng như tôn, đinh, ốc vít, dây thép… ở địa phương rất lớn trong khi kế hoạch dự trữ hầu như rất ít. Nguồn cung các mặt hàng này luôn bị động vì phải phụ thuộc từ các tỉnh thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một trong những thực phẩm được người dân quan tâm là rau xanh cũng phụ thuộc vào các tỉnh thành trong cả nước.

Những mặt hàng trên cần được các ngành chức năng có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị nguồn cung cho thị trường khi bão lụt xảy ra. Bên cạnh các đơn vị được giao nhiệm vụ trữ hàng bình ổn giá, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân chủ động nguồn vốn tự có để dự trữ thêm hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn cho nên một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến hàng hóa dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão.

Về phương án vận chuyển hàng hóa đến các vùng lụt bão, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc thường trực Sở Công thương Đà Nẵng cho biết: Sở đã vận động các doanh nghiệp tham gia dự trữ và đưa hàng hóa đến các vùng theo chỉ đạo và có hỗ trợ về chi phí bốc vác hàng hóa thực tế mà doanh nghiệp đã xuất ra; đồng thời phối hợp với các quận, huyện điều động hàng hóa giữa các vùng nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho nhân dân, nhất là khu vực nằm trong vùng lũ quét và ngập lụt nặng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Phước của huyện Hòa Vang. Trong trường hợp thị trường có biến động, Sở chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xuống ngay địa bàn kiểm soát giá cả. Nếu phát hiện những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá tùy tiện sẽ xử phạt thật nghiêm.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.