Ngày 10-9, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng xanh”.
Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, nhấn mạnh: Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Đà Nẵng đã mang lại nhiều thành tựu kinh tế. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng giảm do khai thác và chuyển đổi sử dụng đất đai chưa hợp lý trong khi thành phố vẫn đang nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội để bắt kịp các thành phố châu Á khác. Hơn nữa, để đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Đà Nẵng cần phải đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ để tạo ra động lực tăng trưởng mới.
“Bối cảnh này đòi hỏi thành phố phải có những nỗ lực để phát triển một cách bền vững và có tính cạnh tranh, với những giải pháp đồng bộ, tổng thể chứ không chỉ là những chương trình, kế hoạch đề ra theo từng lĩnh vực riêng lẻ. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm thể chế hóa các sáng kiến chiến lược cũng như cải thiện điều kiện và cơ chế hợp tác với khu vực tư nhân”, TS Hồ Kỳ Minh nhìn nhận. Theo ông Minh, thành phố cần xây dựng cơ chế tài chính đột phá là điều kiện cần thiết để tạo ra những đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển đô thị bền vững cũng như tăng tính cạnh tranh cho Đà Nẵng.
Đồng quan điểm trên, TS Joosueb Lee, Giám đốc cấp cao GGGI, cho rằng gần đây Chính phủ Việt Nam yêu cầu các thành phố lớn trong nước lồng ghép các sáng kiến quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào định hướng phát triển của địa phương mình. Và Chiến lược tăng trưởng xanh là một phần quan trọng trong phát triển bền vững, nhằm bảo đảm tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm…
Nhiều tham luận của các đại biểu tập trung vào định hướng xây dựng khung kế hoạch chiến lược và nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương thông qua lồng ghép tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển chung của thành phố; xem xét các định hướng phát triển hiện tại, xác định các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng từ góc độ tăng trưởng xanh. Qua đó, củng cố hoạt động quản lý đô thị và cơ cấu thể chế về phát triển và quản lý hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ, hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố một cách bền vững và có lợi thế cạnh tranh, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, kết nối chặt chẽ nông thôn - thành thị và bảo đảm công bằng xã hội.
Hội thảo cũng xác định các sáng kiến chiến lược và ý tưởng dự án thí điểm ưu tiên để huy động nguồn lực với các đối tác đa ngành cần thiết. Mục tiêu của chiến lược là Đà Nẵng sẽ được công nhận thành phố đầu tiên có lồng ghép tăng trưởng xanh vào định hướng phát triển tổng thể tại Việt Nam, thành phố có lợi thế cạnh tranh về kinh tế-xã hội và mang lại cho người dân cuộc sống có chất lượng. Dưới góc độ quốc tế, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm đô thị sôi động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các ngành công nghệ cao và tốc độ tăng trưởng lành mạnh với các dịch vụ cao cấp.
Bà Juhuyn Lee, Chuyên gia đô thị UN-Habitat: Đà Nẵng nên phát triển công nghiệp, dịch vụ giá trị gia tăng cao Tăng trưởng xanh là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025, Đà Nẵng là trung tâm kinh tế-xã hội, giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cao. Để đạt được điều này, Đà Nẵng nên phát triển công nghiệp, dịch vụ giá trị gia tăng cao để tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố; đồng thời khai thác và sử dụng đất hiệu quả trong quá trình đô thị hóa cũng như phát triển môi trường sống sạch và chất lượng cao, có khả năng ứng phó với thiên tai... |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN